Bài 2: Cải thiện môi trường kinh doanh, giảm rủi ro doanh nghiệp vi phạm

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng nhiều vào những giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn, để doanh nghiệp thực sự trở thành đối tác của cơ quan hải quan. Để hiểu rõ hơn về những kỳ vọng từ phía các doanh nghiệp, TBTCVN có cuộc trao đổi với ông Yoshida Susumu - Tổng Thư Ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

PV: Tổng cục Hải quan và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản (JCCI) đã ký Biên bản ghi nhớ vào ngày 20/1/2017. Kể từ đó tới nay, cơ quan hải quan đã có những hỗ trợ như thế nào tới Hiệp hội, thưa ông?

Ông Yoshida Susumu: Mục đích của Biên bản ghi nhớ này là tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi giữa hai tổ chức, chia sẻ các vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan và thuế xuất nhập khẩu trong hoạt động kinh doanh, thúc đẩy sự hiểu biết về các quy định của pháp luật về hải quan và đề xuất giải pháp.

Kể từ đó đến nay, JCCI và Tổng cục Hải quan đã tổ chức các cuộc họp thường kỳ mỗi quý một lần cũng như nhiều hội thảo trao đổi về các vấn đề pháp lý. Khi Tổng cục Hải quan sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đều chia sẻ bản dự thảo sửa đổi với các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm cả JCCI chúng tôi, đồng thời tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân để tiếp thu ý kiến và nguyện vọng của các doanh nghiệp FDI. Mặt khác, Hiệp hội chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền phổ biến thông tin về các nội dung sửa đổi và hướng dẫn thi hành thông qua các buổi đối thoại với các doanh nghiệp thành viên.

PV: Theo đánh giá của ông, việc phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích gì cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như cơ quan hải quan?

Ông Yoshida Susumu: Nhờ hoạt động trao đổi thông tin hiệu quả với Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp thành viên JCCI cũng được hưởng lợi vì có thể phục hồi thuận lợi hơn kể cả trong trường hợp gặp vướng mắc trong quá trình thông quan. Có thể nói rằng điều này đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp FDI và cũng là thành quả to lớn của quan hệ đối tác.

Cùng chia sẻ thông tin

Đến nay, Tổng cục Hải quan và JCCI đã cùng tổ chức nhiều cuộc họp định kỳ nhằm chia sẻ thông tin về các vướng mắc khi làm thủ tục thông quan cũng như sự chậm trễ trong thủ tục hành chính xảy ra khi vận dụng các quy định của pháp luật về hải quan. Chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của Tổng cục Hải quan để có thể tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể thấy được hiệu quả từ việc các doanh nghiệp được cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành đã giúp họ nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật trong khai báo hải quan. Đối với Tổng cục Hải quan, điều này góp phần làm giảm rủi ro doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

PV: Tới đây, Tổng cục Hải quan vẫn kiên định với mục tiêu tăng cường mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp hơn nữa. Coi sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo hiệu quả của công tác quản lý. Ông có thể dành một số khuyến nghị, gợi ý để công tác này được tốt hơn thời gian tới?

Ông Yoshida Susumu: Chúng tôi nghĩ rằng mối quan hệ này còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa. Ví dụ, liên quan tới sự không nhất quán trong cách giải thích pháp luật giữa Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ngành khác ban hành, trong buổi đối thoại vào tháng 6 năm nay, chúng tôi đã nhận được lời khuyên về việc nên trao đổi trực tiếp với các bộ ngành hữu quan. JCCI và Tổng cục Hải quan hiện đang kêu gọi các bộ ngành hữu quan tổ chức các buổi làm việc này. Đây là nỗ lực chung đầu tiên giữa Tổng cục Hải quan và JCCI nhằm làm rõ các quy tắc giải thích pháp luật áp dụng chung cho các bộ ngành. Sự lan tỏa của các nỗ lực như vậy sẽ giúp cho việc giải thích pháp luật đi vào ổn định, cũng như nâng cao khả năng dự đoán trong việc vận dụng các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chúng tôi cũng được biết Tổng cục Hải quan hiện đang tổ chức các khóa đào tạo về Luật Hải quan và các quy định của pháp luật có liên quan tại các cơ sở đào tạo trực thuộc. Chúng tôi đã giới thiệu các chương trình đào tạo này tới các doanh nghiệp thành viên.

Nếu Việt Nam ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về AEO với nhiều quốc gia khác thì các doanh nghiệp có thể được hưởng nhiều ưu đãi về thủ tục hải quan. Nếu đạt được thỏa thuận công nhận lẫn nhau về AEO với Nhật Bản, chúng tôi hy vọng hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản sẽ được đẩy mạnh, vị thế của Việt Nam với vai trò là một quốc gia thương mại sẽ được nâng cao hơn nữa.

PV: Xin cảm ơn ông!

ÔNG NGUYỄN HẢI MINH - PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP CHÂU ÂU TẠI VIỆT NAM (EUROCHAM): Nỗ lực củng cố mối quan hệ hải quan - doanh nghiệp

Không chỉ có doanh nghiệp châu Âu mà tất cả các doanh nghiệp đều luôn mong muốn được tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật hải quan nói riêng. Nhưng để làm được thì phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như: thể chế, con người, văn hóa, cơ cấu tổ chức, pháp luật liên quan, chi phí tuân thủ…

Do đó, việc trao đổi liên tục và định kỳ giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan thông qua các buổi đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tuân thủ là rất cần thiết, quan trọng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kỳ vọng, cơ quan hải quan tiếp tục tích hợp công nghệ vào quy trình hải quan để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch.

EuroCham nỗ lực để củng cố mối quan hệ, đảm bảo tất cả các bên cùng phối hợp để thúc đẩy một hệ thống hải quan không chỉ nhằm mục đích tuân thủ, mà còn giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.

ÔNG ĐẶNG VŨ THÀNH - PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ LOGISTICS (VLA): Hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp

Việc phát triển hợp tác giữa VLA và cơ quan hải quan trong suốt thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực không chỉ cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường quốc tế. Thời gian tới, chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp cho giai đoạn 2024-2027.

Thứ nhất, tăng cường hợp tác và đối thoại: xây dựng các đầu mối liên lạc để tiếp nhận giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp và hiệp hội; tiếp tục phối hợp tổ chức giới thiệu, phổ biến, hướng dẫn các nội dung quy định pháp luật về hải quan có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics…

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp trao đổi, nghiên cứu các khả năng tối ưu hóa và tích hợp các phần mềm quản lý hải quan với các hệ thống/nền tảng phổ biến của doanh nghiệp; hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của các bên đảm bảo sự đồng bộ.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp theo các chuyên đề để nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-2-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-giam-rui-ro-doanh-nghiep-vi-pham-160926-160926.html