Đến năm 2025, tuyển sinh đào tạo khoảng 80.000 lao động

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Một giờ thực hành của thầy, trò Trường cao đẳng Công nghiệp cao su - Ảnh: TL

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Một giờ thực hành của thầy, trò Trường cao đẳng Công nghiệp cao su - Ảnh: TL

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10-7-2024 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 293-KH/TU ngày 30-9-2024 về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch có 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện gồm: Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thứ hai, đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Thứ tư, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ năm, bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 37-CT/TW và Kế hoạch 293-KH/TU và xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng đến việc rà soát, hoàn thiện hoặc kiến nghị, đề xuất sửa đổi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để góp phần nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn.

Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Đến năm 2025, tuyển sinh đào tạo khoảng 80.000 lao động, trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 20%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%; tỷ lệ học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt trên 85%. Phấn đấu có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS, ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Phát triển năng lực đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh lên 5.000 học viên/năm; ít nhất 30% cơ sở GDNN và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp từng bước thực hiện quyền tự chủ theo quy định của pháp luật.

Đến năm 2030, phấn đấu tuyển sinh đào tạo khoảng 120.000 lao động, trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 20%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%; tỷ lệ học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt trên 90%. Tiếp tục thực hiện thu hút 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN. Phấn đấu ít nhất 70% cơ sở GDNN và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia; phấn đấu có 1 trường chất lượng cao; có chương trình đào tạo hợp tác quốc tế.

PV

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/163555/den-nam-2025-tuyen-sinh-dao-tao-khoang-80-000-lao-dong