Bài 2: GIẢI PHÁP ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG GẮN BÓ VỚI DOANH NGHIỆP

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất; hỗ trợ người lao động (NLĐ) vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp chưa tạo điều kiện về môi trường làm việc cho NLĐ; chưa chăm lo, bảo vệ NLĐ, thậm chí có doanh nghiệp còn vi phạm các quy định đối với NLĐ. Vậy giải pháp nào để NLĐ được bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, giúp NLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp?

LĐLĐ thị xã Mỹ Hào, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với doanh nghiệp tặng quà cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Doanh nghiệp “thờ ơ” với người lao động

Phần lớn các doanh nghiệp coi NLĐ là “tài sản quý giá”, là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Vậy nhưng, không ít NLĐ đã và đang làm việc tại Công ty TNHH giày Ngọc Tề (chi nhánh huyện Tiên Lữ), lại không được coi như vậy. Chị Nguyễn Thị S. công nhân công ty cho biết: Khi dịch Covid-19 lây lan trong công ty, chúng tôi được yêu cầu xét nghiệm nhanh để phát hiện sớm khi bị dương tính. Tuy nhiên, công ty yêu cầu chúng tôi phải đóng 30 nghìn đồng khi xét nghiệm lần đầu, lần sau lại tăng lên 40 nghìn đồng; trong nhà vệ sinh thường xuyên mất nguồn nước, doanh nghiệp không bố trí giấy vệ sinh nên công nhân phải mang từ nhà đi để dùng; công ty không bố trí dung dịch sát khuẩn để NLĐ rửa tay, sát khuẩn. Điều kiện làm việc không được tốt, nhất là việc ăn nghỉ buổi trưa. Do nhà ăn nhỏ, không đủ chỗ ngồi nên một số NLĐ phải mang cơm từ nhà, ngồi tại lán xe để ăn, sau đó trải tấm bạt xuống lối đi để nghỉ trưa, có người nằm trên yên xe máy để nghỉ. Một công nhân khác là chị Ngô Thị M. cho biết thêm: Sau khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2, tôi và nhiều đồng nghiệp được đưa đến cơ sở y tế điều trị. Trong thời gian nghỉ việc điều trị bệnh, ngoài hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, chúng tôi không được công ty hỗ trợ thêm đồng nào.

Còn tại Công ty TNHH Trường Phúc Hưng Yên (Ân Thi), lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm ăn thua lỗ nên từ năm 2019 đến nay, công ty nợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ với số tiền hơn 12,8 tỷ đồng. Chị Đinh Thị Huyền, công nhân công ty cho biết: Công ty không đóng BHXH cho NLĐ nên tôi và gần 40 nữ công nhân làm việc ở công ty nghỉ sinh con trong thời gian qua đã không được thanh toán tiền thai sản. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ nợ cơ quan BHXH, từ tháng 1.2020 đến tháng 1.2021, doanh nghiệp còn nợ kinh phí, đoàn phí công đoàn với số tiền hơn 845 triệu đồng. Trong khi tất cả các khoản BHXH, BHYT, BHTN, phí công đoàn công ty vẫn trừ của NLĐ hàng tháng…

Và còn không ít NLĐ tủi hờn vì công sức lao động của mình đóng góp cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp lại trốn tránh, tìm đủ mọi lý do để cắt trừ lương và các khoản phúc lợi, không thực hiện nghiêm túc theo thỏa thuận đã được ký kết. Anh Nguyễn Bá Hồi, xã Lệ Xá (Tiên Lữ) từng làm bảo vệ tại Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Đ. A. S. (thị xã Mỹ Hào) chia sẻ: Theo thỏa thuận giữa tôi và công ty, mỗi tháng tôi được nhận lương 4,5 triệu đồng. Vào tháng 9.2021, công ty trả lương cho tôi 3 triệu đồng, giữ lại 1,5 triệu đồng. Nhiều lần tôi gặp người đại diện của công ty đề nghị trả nốt 1,5 triệu đồng tiền lương tháng 9 nhưng công ty không trả, do đó cuối tháng 10.2021 tôi đã phải nghỉ việc tại đây. Anh Hồi cho biết thêm, không phải mình anh rơi vào tình trạng như vậy mà một số NLĐ khác cũng bị nợ lương và phải xin nghỉ việc như anh.

Giải pháp nào giúp NLĐ gắn bó dài lâu với doanh nghiệp?

Môi trường làm việc, lương, thưởng và phúc lợi là 3 nhân tố quan trọng để NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đặc biệt trong thời điểm diễn biến dịch bệnh như hiện nay thì việc NLĐ được quan tâm, giúp đỡ để vượt qua khó khăn là điều mà NLĐ vô cùng mong mỏi.

Đồng chí Đặng Văn Diên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Xét ở nghĩa rộng, phúc lợi bao hàm cả tiền lương, điều kiện làm việc của NLĐ và tất cả các quyền lợi khác ngoài lương, như: BHXH, BHYT, BHTN, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động, nghỉ mát, thể dục-thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo cho con em của NLĐ…

Với quan điểm xuyên suốt, sự đồng thuận cao trong ban lãnh đạo về việc thực hiện tốt phúc lợi cho NLĐ, thời gian qua, Công ty cổ phần Tiên Hưng (Tiên Lữ) không chỉ giữ được NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, mà còn thu hút ngày càng nhiều lao động. Năm 2020, công ty có chưa đến 3.000 công nhân, đến nay, công ty đã thu hút được trên 4 nghìn công nhân. Mức lương trung bình năm 2021 của NLĐ đạt gần 12 triệu đồng/người/tháng; mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đạt trung bình khoảng 22 triệu đồng/người. Ngoài ra công đoàn tặng quà cho 100% NLĐ với mức 300 nghìn đồng/người, duy trì tặng quà sinh nhật hàng năm cho NLĐ; ngày Rằm tháng giêng vừa qua, công đoàn công ty tổ chức gói bánh chưng tặng mỗi NLĐ 2 chiếc…

Có thể thấy những khoản phúc lợi mà doanh nghiệp dành cho người lao động đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Cụ thể, NLĐ có động lực làm việc, từ đó dẫn tới tăng năng suất lao động; NLĐ yên tâm và gắn bó với công việc, từ đó giảm biến động lao động, giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo lao động mới và thời gian làm quen với công việc. Đồng thời, doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội, đóng góp phát triển bền vững cho địa phương.

Tuy nhiên, đồng chí Đặng Văn Diên cũng cho rằng, bên cạnh việc doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách phúc lợi cho NLĐ thì NLĐ cũng cần thay đổi suy nghĩ về việc làm, không nên vì lợi ích trước mắt mà tùy tiện “nhảy việc” khiến chính bản thân mình bị thiệt thòi. Mặt khác, các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở cho công nhân và phát triển các công trình phúc lợi khác, qua đó giúp NLĐ yên tâm làm việc.

Để NLĐ được bảo đảm quyền lợi, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tuyết, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Với phương châm “ở đâu có NLĐ gặp khó, ở đó có công đoàn”, thời gian qua, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn các cấp trong tỉnh phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định, hướng dẫn của cấp trên về chế độ chính sách về tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp ốm đau, các chế độ bảo hiểm cho NLĐ… Qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên công đoàn và NLĐ, đặc biệt là đoàn viên và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm, chia sẻ khó khăn với NLĐ và chủ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn ra phức tạp như hiện nay. Bên cạnh đó, tuyên truyền để NLĐ hiểu và chấp hành tốt các quy định của pháp luật và quy định của doanh nghiệp về phòng, chống dịch.

Anh Hoàng Ngọc Khánh, NLĐ Công ty cổ phần may và xuất khẩu Phú Thịnh (Kim Động) vừa bị mắc Covid-19 cũng đã nắm bắt chủ trương Tổng LĐLĐ Việt Nam dừng chi hỗ trợ cho đoàn viên và NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bắt đầu từ ngày 1.3.2022, NLĐ bị F0 chỉ được hưởng theo chính sách ốm đau thông thường. Anh cho rằng, thời điểm này việc dừng hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là phù hợp. Tuy nhiên, tôi mong công đoàn và các doanh nghiệp cần xem xét, có sự hỗ trợ phù hợp đối với các trường hợp F0 có hoàn cảnh gia đình khó khăn để họ vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị bệnh - Anh Khánh bày tỏ.

Phương Minh – Hồng Ngọc

Bài 1: ĐỒNG HÀNH VỚI NLĐ BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH COVID-19

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202204/bai-2-giai-phap-de-nguoi-lao-dong-gan-bo-voi-doanh-nghiep-17746ca/