Bài 2: 'Quả ngọt' từ một chủ trương đúng

Hơn 3 năm triển khai, Kết luận số 112-KL/ThU của Thành ủy Lai Châu đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống của các bản khó khăn từng bước được nâng cao góp phần xây dựng thành phố Lai Châu ngày càng phát triển vững mạnh.

* Bài 1: Sức bật từ nghị quyết

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Đồng chí Đặng Quang Chung - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: Xác định việc giúp đỡ bản, tổ dân phố phát triển là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền. Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Kết luận số 112-KL/ThU đã đề ra. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị về ý nghĩa của Nghị quyết 10-NQ/ThU, Kết luận số 112-KL/ThU của Thành ủy đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, mặt khác tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân ở các bản được giúp đỡ, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Thực hiện Kết luận số 112-KL/ThU, Ban Thường vụ Thành ủy Lai Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết tâm giúp đỡ các bản khó vươn lên phát triển toàn diện.

Thực hiện Kết luận số 112-KL/ThU, Ban Thường vụ Thành ủy Lai Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết tâm giúp đỡ các bản khó vươn lên phát triển toàn diện.

Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 112-KL/ThU, các chi, đảng bộ cơ sở căn cứ đề án, kế hoạch giai đoạn 2020-2025 và tình hình thực tiễn, xây dựng kế hoạch giúp bản, tổ dân phố hằng năm. Trong đó, tập trung vào những chỉ tiêu khó, chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt; lựa chọn nội dung, hình thức giúp các bản một cách toàn diện, thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó, tập trung củng cố, kiện toàn, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách bản; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở các bản.

Một trong những việc làm quan trọng được các chi đảng bộ thực hiện trong việc giúp đỡ các bản khó khăn đó là vận động, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, sản xuất tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; rà soát, hỗ trợ đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông nội đồng, hệ thống thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực hiện tốt các chương trình, đề án; lồng ghép các nguồn kinh phí, vận dụng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, các nguồn vốn, nguồn quỹ như: Giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, quỹ “Vì người nghèo”, “Vì phụ nữ nghèo”, "Quỹ hỗ trợ nông dân", vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, các nguồn xã hội hóa của các chi bộ, đảng bộ cơ sở để đầu tư, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, phát triển kinh tế; tập trung hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế.

Đồng chí Đặng Quang Chung nhấn mạnh: Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng tôi phấn đấu hết năm 2024, trung bình mỗi bản giảm từ 1-3 hộ nghèo; thực hiện các mô hình phát triển kinh tế điển hình để người dân nhân rộng nâng cao thu nhập ổn định. Đặc biệt, đối với các bản vùng cao xã Sùng Phài chúng tôi chỉ đạo các chi đảng bộ tăng cường phối hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc quy định về chính sách dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình; kiềm chế và kéo giảm tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhiều kết quả nổi bật

Một trong những kết quả nổi bật đó là củng cố, kiện toàn đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở các bản; nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ bản, ban công tác mặt trận và các chi hội, chi đoàn. Hơn 3 năm qua, các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã phối hợp với Đảng ủy các xã, phường giúp đỡ rà soát, kiện toàn 222 lượt chức danh người hoạt động không chuyên trách; rà soát, cử 614 lượt người hoạt động không chuyên trách đi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; phối hợp theo dõi, cử 32 quần chúng ưu tú đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; bồi dưỡng, giới thiệu, kết nạp 23 đảng viên mới; trung bình hằng năm có 96,6% lượt chi bộ, 100% lượt ban công tác mặt trận, chi đoàn, các chi hội được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Nghề truyền thống được bà con dân tộc Mông bản Sùng Chô, xã Sùng Phài duy trì và gìn giữ.

Nghề truyền thống được bà con dân tộc Mông bản Sùng Chô, xã Sùng Phài duy trì và gìn giữ.

Đảng bộ còn tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tại các bản phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; duy trì các mô hình đã được giúp đỡ qua các năm, khảo sát, triển khai hỗ trợ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới. Từ năm 2021 đến nay, đã hỗ trợ triển khai 149 mô hình chăn nuôi, trồng trọt với tổng số tiền 617 triệu đồng (nguồn xã hội hóa) và trên 5 tỷ đồng vay vốn từ các nguồn quỹ, ủy thác ngân hàng (một số mô hình kinh tế hiệu quả như: mô hình trồng rau bắp cải, nuôi ngan (bản Trung Chải); nuôi dê sinh sản (bản Tả Chải, Sùng Phài); nuôi ngựa, trâu sinh sản (bản Gia Khâu I), trồng nấm (bản Thành Lập); vận động quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ kinh phí, ngày công lao động để xây mới, sửa chữa nhà cho 44 hộ nghèo; làm nhà vệ sinh, nhà tắm, cứng hóa nền nhà cho 26 hộ; lắp đường điện năng lượng mặt trời, sửa chữa nhà văn hóa, làm đường dân sinh... với tổng số tiền trên 7,1 tỷ đồng và trên 1.000 ngày công lao động. Đặc biệt, UBND thành phố thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án đối với 10 bản khó khăn với tổng kinh phí thực hiện trên 44 tỷ đồng.

Bản làng vùng cao dần thay da đổi thịt nhờ sự lãnh đạo của Đảng, giúp đỡ của các liên chi bộ.

Bản làng vùng cao dần thay da đổi thịt nhờ sự lãnh đạo của Đảng, giúp đỡ của các liên chi bộ.

Đồng chí Hoàng Trung Kiên - Bí thư Đảng ủy xã Sùng Phài chia sẻ: Khi mới sát nhập 2 xã: Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) và Sùng Phài (huyện Tam Đường) thành xã Sùng Phài, đời sống của người dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những bản vùng cao. Thu nhập bình quân chỉ đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 20%. Tuy nhiên xã luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. Đặc biệt là, việc thực hiện Kết luận số 112-KL/ThU, giúp đỡ 10 bản khó khăn nhất trên địa bàn thành phố, trong đó xã Sùng Phài có 8 bản. Nhờ có sự giúp đỡ của các chi, đảng bộ nên diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12%.

Cùng với phát triển kinh tế, các bản khó khăn còn được các chi, đảng bộ quan tâm triển khai giúp đỡ các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Các bản đã thành lập và duy trì được ít nhất 1 đội văn nghệ; 100% các cháu trong độ tuổi đến trường, không có học sinh bỏ học. Hằng năm, tỷ lệ bản đạt danh hiệu văn hóa, hộ gia đình đạt gia đình văn hóa đạt và vượt kế hoạch. Ngoài ra, công tác an sinh xã hội cũng được chú trọng, như: thăm, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, tết cho các hộ nghèo, gia đình khó khăn, chính sách, học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập... với tổng trị giá gần 2,1 tỷ đồng và hơn 6.500kg gạo. Từ năm 2021 đến nay, tại 10 bản khó khăn giảm được 96 hộ nghèo, 48 hộ cận nghèo.

Bà con bản Trung Chải, Sùng Phài tập trung phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.

Bà con bản Trung Chải, Sùng Phài tập trung phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.

Có thể thấy việc triển khai thực hiện Kết luận số 112-KL/ThU đã phát huy được vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong việc giúp bản phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; bộ mặt nông thôn tại các bản dần đổi thay. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách với các bản, tổ dân phố khác của thành phố.

Bạch Dương - Hoài Thương

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/b%C3%A0i-2-qu%E1%BA%A3-ng%E1%BB%8Dt-t%E1%BB%AB-m%E1%BB%99t-ch%E1%BB%A7-tr%C6%B0%C6%A1ng-%C4%91%C3%BAng