Bài 3: Chú trọng giám sát việc thực hiện quy định lấy ý kiến

Đối với những dự thảo nghị quyết tác động đến nhiều đối tượng thụ hưởng hoặc liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà hồ sơ UBND gửi còn chưa đầy đủ thông tin, lãnh đạo Ban HĐND chủ động báo cáo, tham mưu Thường trực HĐND huyện tổ chức tham vấn ý kiến các chuyên gia, người dân và các đối tượng chịu tác động. Tùy từng nội dung, các Ban HĐND tổ chức khảo sát hay lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động. Bên cạnh đó, chú trọng giám sát việc thực hiện quy định lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu tác động của nghị quyết.

Đó là chia sẻ của Thường trực HĐND huyện Ia Grai, Gia Lai về việc nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra nói chung, trong đó có thẩm tra nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Bảođảm tính khả thi caocủa quyết sách

Hoạt động thẩm tra là một nội dung được Thường trực HĐND huyện Ia Grai đặc biệt quan tâm để bảo đảm chất lượng các văn bản trình tại kỳ họp; yêu cầu phải được thực hiện đúng quy trình, phát huy những mặt đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước và tiếp tục đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, lĩnh vực. Trong đó, thẩm tra nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, Thường trực HĐND huyện giao Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện chủ trì phối hợp với các Ban HĐND huyện tổ chức khảo sát, nắm tình hình và nghiên cứu tài liệu tham khảo phục vụ hoạt động thẩm tra. Qua đó, góp phần chỉ ra một số nội dung chưa phù hợp trong báo cáo, dự thảo nghị quyết do UBND huyện trình, làm cơ sở để đại biểu HĐND huyện nghiên cứu, thảo luận và quyết định các nội dung tại kỳ họp.

Căn cứ chương trình, kế hoạch tổ chức các kỳ họp, các thành viên Ban HĐND chủ động phối hợp với các ngành thuộc UBND huyện trong quá trình tham mưu soạn thảo các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình HĐND huyện; tham gia đầy đủ các hội nghị tư vấn của cơ quan soạn thảo, các phiên họp của UBND huyện có nội dung trình kỳ họp để kịp thời có ý kiến tham gia đóng góp, giúp cơ quan tham mưu hoàn chỉnh nội dung trước khi tổ chức hội nghị thẩm tra; giảm bớt tình trạng phải thẩm tra lại vì lý do chất lượng dự thảo nghị quyết và thủ tục, quy trình không bảo đảm.

Đại biểu HĐND huyện Ia Grai biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 11 (chuyên đề). Ảnh: Minh Thoan

Đại biểu HĐND huyện Ia Grai biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 11 (chuyên đề). Ảnh: Minh Thoan

Thường trực HĐND huyện Ia Grai nhấn mạnh: Đối với những dự thảo nghị quyết có nội dung tác động đến nhiều đối tượng thụ hưởng hoặc liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà hồ sơ UBND gửi còn chưa đầy đủ thông tin, lãnh đạo Ban HĐND chủ động báo cáo và tham mưu với Thường trực HĐND huyện tổ chức tham vấn ý kiến các chuyên gia, người dân và các đối tượng chịu tác động để nhìn nhận vấn đề toàn diện, khách quan và minh bạch. Tùy từng nội dung, các Ban HĐND lựa chọn tổ chức khảo sát hay lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động để thu thập thông tin. Bên cạnh đó, chú trọng giám sát việc thực hiện quy định lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu tác động của nghị quyết, bảo đảm các cơ quan soạn thảo đã thực hiện đánh giá tác động, tư vấn và xin ý kiến của các đối tượng liên quan nghiêm túc, công khai. Điều này giúp cho nghị quyết của HĐND ban hành đi vào cuộc sống, phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi cao.

Đề xuất nhiều giải pháp đểthảo luận, biểu quyết

Tại hội nghị thẩm tra, Ban HĐND chủ trì thẩm tra định hướng các ý kiến tham gia thẩm tra phải nêu được ưu điểm của văn bản, tính hợp hiến, hợp pháp, giá trị mang lại khi ban hành đề án, dự thảo nghị quyết, những vấn đề bất hợp lý, không khả thi, trái quy định của pháp luật phải được chỉnh sửa ngay. Đối với những nội dung còn nhiều ý kiến trái chiều, các Ban HĐND đề nghị UBND huyện, các cơ quan chuyên môn liên quan nêu quan điểm. Ban chủ trì cân nhắc kỹ lưỡng giữa căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để quyết định các nội dung nhất trí hay không nhất trí trình kỳ họp và các nội dung yêu cầu UBND huyện giải trình thêm tại kỳ họp để đại biểu tiếp tục thảo luận. Quá trình tổ chức thẩm tra, cần phân công thư ký ghi biên bản nội dung hội nghị để lưu giữ hồ sơ chuẩn bị, tổ chức kỳ họp.

Sau hội nghị thẩm tra,các Ban HĐND huyện xây dựng báo cáo tiến độ thẩm tra, trong đó báo cáo các nội dung nhất trí, không nhất trí trình kỳ họp và các nội dung đề nghị UBND huyện báo cáo giải trình trực tiếp tại kỳ họp tổng hợp, lưu ý những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần cân nhắc thêm để báo cáo và xin ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND huyện tại phiên họp. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND huyện báo cáo với Thường trực huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy về nội dung kỳ họp, về các nghị quyết dự kiến ban hành, xin ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; đồng thời, xin ý kiến chỉ đạo, định hướng tại kỳ họp HĐND huyện. Từ đó, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy đối với các nội dung kỳ họp.

Căn cứ các nội dung thống nhất tại cuộc họp của Thường trực HĐND huyện, Ban được giao chủ trì thẩm tra hoàn thiện báo cáo thẩm tra theo quy định. Nội dung báo cáo thẩm tra cần nêu sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; nêu tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành; nêu rõ ý kiến đánh giá về những vấn đề được Ban HĐND nhất trí, không nhất trí, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để cung cấp thông tin cho đại biểu xem xét, thảo luận và đề xuất được nhiều giải pháp làm cơ sở cho các đại biểu HĐND tiếp tục thảo luận, biểu quyết tại kỳ họp.

Kiều Bảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-3-chu-trong-giam-sat-viec-thuc-hien-quy-dinh-lay-y-kien-i372680/