Bài 3: Nâng tầm quan hệ đối tác, không thể thiếu sự tham gia của các bên

Để sự đồng hành hải quan - doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành Hải quan, không thể thiếu sự tham gia tích cực của các bên liên quan. Sự đồng hành, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố quan trọng để tạo nên sự thành công, phát triển.

Cơ quan hải quan luôn mong muốn đưa hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực chất hơn. Ảnh: Khánh Chi

Cơ quan hải quan luôn mong muốn đưa hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực chất hơn. Ảnh: Khánh Chi

Đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả

Trong thời gian tới, mục tiêu mà ngành Hải quan đặt ra là công tác phát triển quan hệ đối tác cần phải được tiến hành cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu.

Giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ

Với tinh thần thực hiện quyết liệt, thống nhất trong toàn ngành Hải quan, tin tưởng rằng những mục tiêu và giải pháp đề ra sẽ tạo động lực quan trọng hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Thọ - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Về giải pháp, ông Nguyễn Văn Thọ - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, ngành Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về hải quan để hướng tới đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan và từng bước nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan thông qua các công cụ số hóa, góp phần đổi mới phương thức làm việc; nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, đại diện Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, cơ quan hải quan tiếp tục khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia phản biện hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan; tham gia giám sát thực thi pháp luật hải quan; hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật của hải quan và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực hải quan.

Cơ quan hải quan các cấp chủ động nghiên cứu, đổi mới đưa ra các giải pháp, sáng kiến, công cụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan phù hợp với đặc điểm địa bàn, tính chất hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu thành lập diễn đàn tham vấn hải quan - doanh nghiệp; tăng cường hoạt động tham vấn trước và sau khi ban hành chính sách pháp luật hải quan nhằm đảm bảo tính thực tế của văn bản pháp luật khi ban hành.

Đặc biệt là tổ chức các khóa đào tạo về phát triển quan hệ đối tác cho cả hải quan và hiệp hội, các nhóm doanh nghiệp để chia sẻ thêm các kinh nghiệm, mô hình, phương pháp thực hiện hiệu quả để các đơn vị nâng cao nhận thức và hành động; tăng cường việc trao đổi, đánh giá, đôn đốc thực hiện công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan trong toàn ngành để vừa khắc phục những tồn tại, hạn chế, vừa nhân rộng những điển hình, kinh nghiệm, sáng kiến hay trong công tác này.

Không thể thiếu sự tham gia của các bên

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ cho rằng, để sự đồng hành hải quan - doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành Hải quan, không thể thiếu sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, ngành Hải quan mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, hưởng ứng cùng cơ quan hải quan phát triển phong phú hơn các hoạt động phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp. Sự đồng hành, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là nhân tố quan trọng để tạo nên sự thành công, phát triển.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), để phát huy hiệu quả quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan – doanh nghiệp và các bên liên quan, Tổng cục Hải quan cần ưu tiên và quan tâm cải tiến, cải cách sâu hơn nữa các hệ thống công nghệ thông tin điện tử. Trong tiến trình cải tiến, cải cách các hệ thống sẽ kéo theo quá trình sửa đổi, bổ sung nội luật, quy trình, thời gian, nguồn nhân lực... Cụ thể, cần cải tiến mạnh mẽ hơn nữa các hệ thống chia sẻ Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để khi cơ quan quản lý Việt Nam phát hành cấp C/O cho doanh nghiệp xuất hàng sẽ đảm bảo chắn chắn việc cơ quan quản lý các nước trong khu vực và quốc tế nhận được.

Về công tác quản lý, thủ tục xuất nhập khẩu nói chung, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò của công nghệ cao. Theo đó, ông kỳ vọng các cơ quan liên quan, trong đó có Hải quan Việt Nam sẽ áp dụng mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến, áp dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện hiệu quả công tác quản lý và xử lý thông quan hàng hóa. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu những khó khăn mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Là doanh nhân có nhiều gắn bó với công tác hải quan, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đề xuất cơ quan hải quan 6 nội dung quan trọng. Đầu tiền là cần hoàn thiện hơn nữa khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để có thể bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Thứ hai, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan hơn nữa. Thứ ba, tăng cường giám sát và kiểm tra việc chống gian lận thương mại giúp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thứ tư, tăng cường tự động hóa và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI). Thứ năm thêm các chương trình hỗ trợ chuyên biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ sáu, nghiên cứu phát triển cơ chế chính sách bán lẻ trong khu thương mại tự do và khu phi thuế quan.

Với sự năng động, nhạy bén và chuyên nghiệp của cơ quan hải quan và sự đồng hành, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, tin rằng, quan hệ đối tác hai bên sẽ tiếp tục được nâng tầm trong thời gian tới.

Nhiều không gian để cải cách mạnh mẽ

Bình luận về sự phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp 10 năm qua, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã dùng cụm từ “sự chuyển biến ngoạn mục”.

Ngành Hải quan triển khai quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp là sự thay đổi lớn trong tư duy từ việc xem doanh nghiệp là đối tượng quản lý sang đối tác. Từ thay đổi về tư duy, việc thực hiện quan hệ đối tác ngày càng thực chất. Tiêu biểu như cơ quan hải quan tăng cường tham vấn doanh nghiệp từ quá trình xây dựng chính sách. Tiếp đó là việc chủ động cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp đã được thực hiện sâu, rộng trong toàn ngành Hải quan. Đây là việc làm hết sức quan trọng bởi có nhiều doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có điều kiện để tiếp cận được nhiều nguồn thông tin.

Điểm nổi bật nữa là việc tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Dấu ấn đậm nét là việc cơ quan hải quan đã tổ chức hội nghị đối thoại để cùng doanh nghiệp thảo luận, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn. Điều này đã trở thành nếp sinh hoạt thường kỳ, rất thực chất.

Bày tỏ nhiều ấn tượng về những cải cách, tạo thuận lợi thời gian qua, nhưng ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, ngành Hải quan còn nhiều không gian để cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Theo Phó Tổng Thư ký VCCI, ngành Hải quan đã có sự tiến bộ trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhưng doanh nghiệp kỳ vọng có sự chuyển đổi đồng đều hơn. Trong đó vai trò chủ trì của ngành Hải quan là hết sức quan trọng, cùng với đó là sự chung tay của các bộ, ngành liên quan” - ông Đậu Anh Tuấn đề xuất.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-3-nang-tam-quan-he-doi-tac-khong-the-thieu-su-tham-gia-cua-cac-ben-161117-161117.html