Bài 3: Thái độ học tập và trách nhiệm quản lý (tiếp theo và hết)

Để thực hiện hiệu quả loại hình đào tạo văn bằng hai, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó nhân tố quyết định đó là thái độ học tập đúng đắn của người học, trách nhiệm của người dạy và năng lực quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục và các cơ sở đào tạo.

Dạy thật - học thật

Dạy thật - học thật là ở đó, người học với một thái độ tích cực, học không đối phó và luôn mong mỏi tìm hiểu, hoàn thành chương trình, nội dung bằng khả năng lĩnh hội kiến thức của mình, còn người dạy luôn dạy bằng cả tâm huyết và niềm đam mê nghề nghiệp.

Theo PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh để hạn chế những sai phạm nảy sinh từ một số trường đào tạo văn bằng 2 như thời gian vừa qua, điều trước tiên cần tháo gỡ chính là thái độ và hành vi ứng xử của người học với việc tham gia học văn bằng 2. Tiếp theo là chất lượng của người dạy và nội dung, chương trình đào tạo, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo.

 Hình thức đào tạo văn bằng 2 vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập. Ảnh minh họa.

Hình thức đào tạo văn bằng 2 vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập. Ảnh minh họa.

Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, uy tín về chất lượng và danh tiếng của cơ sở đào tạo mới là lợi thế cạnh tranh có tính chất quyết định. Do đó, các cơ sở đào tạo phải quan tâm và coi trọng chất lượng đào tạo văn bằng 2.

“Nếu các đơn vị đào tạo coi nguồn thu là tiêu chí hàng đầu mà không xem trọng chất lượng đào tạo, cam kết của mình với xã hội, chắc chắn chỉ trong một thời gian ngắn, đơn vị ấy cũng sẽ bị quy luật của thị trường đào thải. Còn với người học, khi sử dụng tấm bằng “rỗng” kiến thức không sớm thì muộn cũng bị tụt lại. Do đó, bản chất của vấn đề không chỉ nằm ở chính sách và cơ chế, mà nó nằm ở chính con người (người học và người dạy), PGS, TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.

Còn PGS, TS Nguyễn Văn Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho rằng, để bảo đảm chất lượng và uy tín của cơ sở giáo dục đào tạo, việc quản lý, kiểm tra, đánh giá được áp dụng như quy chế đào tạo chính quy, chỉ khác là thời gian học linh hoạt hơn.

Với đặc điểm mềm dẻo và thời khóa biểu được “cá thể hóa” của đào tạo tín chỉ, ngoài việc liên thông dọc đã trở nên phổ biến, hiện nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có thêm hình thức đào tạo song hành hai chương trình theo hướng liên thông ngang, PGS, TS Nguyễn Văn Long cho biết thêm.

Cho rằng, đào tạo văn bằng 2 là cách tối ưu cho người học, tuy nhiên để khắc phục hạn chế của loại hình đào tạo này, GS, TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, dù là văn bằng nào đi chăng nữa thì các trường cũng cần đào tạo theo chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu nhân lực của người sử dụng, của xã hội. “Người sử dụng chính là kênh thông tin phản hồi chất lượng của nhà trường và của người học”, GS, TS Đinh Quang Báo chia sẻ.

Nâng cao năng lực quản lý

Việc nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ nằm ở người học, người dạy mà công tác quản lý cũng đóng một vai trò quan trọng.

PGS, TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp chia sẻ kinh nghiệm về công tác đào tạo văn bằng 2 của trường được quản lý theo quy trình ISO, bảo đảm chất lượng khép kín và có cải tiến chất lượng theo chu kỳ. Đào tạo văn bằng 2 được thực hiện theo quy chế đào tạo của hệ thống tín chỉ, nên người học chủ động tham gia học tập tích lũy kiến thức theo kế hoạch do chính mình xây dựng, chủ động về thời gian, được chọn giảng viên giỏi để học.

PGS, TS Nguyễn Văn Đệ cũng cho biết: Đào tạo văn bằng 2 vẫn sẽ đóng vai trò lịch sử quan trọng trong bối cảnh mới. Vấn đề còn lại là cần có “thỏa ước về chất lượng giữa người học, người dạy và các bên liên quan” để công tác đào tạo văn bằng 2 vừa đáp ứng được yêu cầu học tập tự thân của người học, vừa nhận được sự đánh giá tích cực, sự công nhận một cách chính danh từ xã hội.

Nhằm tăng cường năng lực quản lý, cũng như tránh sự chồng chéo, vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng đã quyết định chuyển giao nhiệm vụ quản lý cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ từ Văn phòng Bộ GD-ĐT về Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT.

Như vậy, với việc chuyển giao về một đầu mối quản lý, “kẽ hở” cho những sai phạm như trường hợp Trường Đại học Đông Đô sẽ phần nào được hạn chế.

Thực tế, đâu đó vẫn có những ý kiến chưa hài lòng về chất lượng đào tạo văn bằng 2, nhưng rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận, việc đào tạo văn bằng 2 đã giúp cho nhiều người có cơ hội việc làm và thành công trong công việc. Chủ trương này chỉ có thể được thực hiện được một cách hiệu quả nếu người học có động cơ, thái độ học tập đúng đắn; năng lực tổ chức, kiểm tra, giám sát của cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước được nâng cao. Có như vậy, loại hình đào tạo này mới thực sự phát huy hiệu quả và tránh được những hạn chế, tiêu cực...

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ - HOÀNG LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/bai-3-thai-do-hoc-tap-va-trach-nhiem-quan-ly-tiep-theo-va-het-593177