Bài 4: Câu chuyện bao bì xanh: Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?
Sản xuất, sử dụng bao bì xanh là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để DN vừa phát triển bền vững vừa đảm bảo bao bì có chi phí thấp?
Bắt đầu từ những yếu tố nhỏ nhất
Như đã đề cập, bao bì không chỉ dừng lại ở chức năng chứa đựng và bảo vệ sản phẩm đây còn được xem là chiếc áo của sản phẩm, là bộ mặt của thương hiệu, một trong những yếu tố quan trọng giúp tác động và khích lệ hành vi của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp phải sớm nhìn ra lợi ích lâu dài của việc đầu tư vào các giải pháp bền vững, đưa tư duy tái tạo vào quá trình thiết kế bao bì và đổi mới sản phẩm.
Nền kinh tế tuần hoàn dự kiến sẽ mang lại cơ hội 4.500 tỷ USD vào năm 2030, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và tạo ra các cơ hội việc làm mới. Giá trị kinh tế của thực hiện các thực hành tốt nhất trong thiết kế bao bì và báo trước việc tái chế ước tính sẽ tạo ra khoản tiết kiệm 2-3 tỷ USD ở các nước OECD.
Chính phủ Việt Nam cũng đã chủ trương triển khai chiến lược phát triển bền vững trong nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, tiết kiệm năng lượng, hướng tới phát triển bền vững. Theo khảo sát của Vietnam Report đã có khoảng 40% doanh nghiệp bao bì lựa chọn thực hiện chiến lược này trong thời gian tới.
Ông Calvin Lam - Giám đốc điều hành Inde Pacific Capital, cho rằng cần phải bắt đầu từ những yếu tố nhỏ nhất, tránh lãng phí, đặc biệt, đối với nghề thiết kế. Những việc đó xuyên suốt trong cả quá trình từ việc càng tiêu phí ít thời gian tối đa, các mẫu thử nghiệm được sản xuất ít hơn trước khi có được sản phẩm cuối. Thời gian vận hành ngắn lại cũng là cách để có doanh nghiệp xanh với thiết kế bao bì bền vững hơn.
Theo bà Elena Đặng-Công ty Pro-Art, việc đầu tư vào các thiết bị máy tính có độ chính xác, chi tiết cao cũng là một trong những cách để có doanh nghiệp với thiết kế bao bì bền vững.
“Hiện nhiều doanh nghiệp đã cam kết về một chiến lược bao bì xanh để bảo vệ môi trường bền vững như: Asus, Tetra Pak, Nuti Food…”, bà Elena Đặng cho biết thêm.
Ông Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ tịch điều hành Pacific Group cho rằng: Bảo vệ môi trường đòi hỏi sự tính toán đường dài, phải biết 'trọng dụng' bao bì nhựa, biến chúng thành thứ có giá trị sau khi sử dụng và được tái sử dụng nhiều lần.
Bao bì không chỉ có chức năng chưa đựng sản phẩm mà còn là một công cụ marketing hiệu quả giúp xây dựng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Hơn nữa, bao bì còn làm thay đổi nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng về tính bền vững, thân thiện với môi trường và làm thay đổi hành vi của mỗi cá nhân.
Tại nhiều nước phát triển trên thế giới,..người tiêu dùng thậm chí đã bắt đầu gây áp lực lên các nhà sản xuất và thương hiệu không tuân theo cách tiếp cận bền vững hơn đối với bao bì sản phẩm khi mà rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn môi trường lớn thứ hai chỉ sau biến đổi khí hậu.
Áp lực vẫn tiếp tục gia tăng khi các luật và quy định mới được thực hiện trên toàn cầu để hạn chế ô nhiễm và khuyến khích tái chế. Không nằm ngoài xu thế, Việt Nam cũng đang xem xét quy định bắt buộc tái chế chất thải bao bì.
Phát triển kinh tế tuần hoàn- Giải pháp hữu hiệu
Một trong những giải pháp được nhắc đến lâu nay là thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
Cùng với đó, Việt Nam cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế.
Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.
Đồng thời, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học - công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới.
Ông Nguyễn Đình Trọng-Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ T-Tech cho rằng: Đổi mới công nghệ là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, tạo được cơ hội việc làm mới.
“Các cấp có thẩm quyền cần xây dựng cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi nilon thân thiện môi trường; tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon khó phân hủy”, ông Trọng chia sẻ.
Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Áp lực vẫn tiếp tục gia tăng khi các luật và quy định mới được thực hiện trên toàn cầu để hạn chế ô nhiễm và khuyến khích tái chế. Không nằm ngoài xu thế, Việt Nam cũng đã xem xét quy định bắt buộc tái chế chất thải bao bì.