Bài 4: Giải pháp nâng cao chất lượng ý kiến của Kiểm toán nhà nước về dự toán ngân sách nhà nước

Chất lượng tham gia ý kiến của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) đã được khẳng định trong thực tiễn thời gian qua. Tuy nhiên, bối cảnh mới đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với KTNN ngày càng lớn. Điều này đòi hỏi rất nhiều giải pháp không chỉ từ nội bộ Ngành, mà quan trọng hơn là sự hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như công tác phối hợp giữa các bên liên quan.

Hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới quy trình, nghiệp vụ từ nội bộ Ngành sẽ từng bước nâng tầm chất lượng ý kiến của KTNN về dự toán NSNN. Ảnh tư liệu

Hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới quy trình, nghiệp vụ từ nội bộ Ngành sẽ từng bước nâng tầm chất lượng ý kiến của KTNN về dự toán NSNN. Ảnh tư liệu

Rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm

Theo đại diện Bộ Tài chính, sự tham gia của KTNN trong quá trình thảo luận dự toán NSNN hằng năm giúp hoàn thiện phương án dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ), phương án điều chỉnh dự toán NSNN cũng như phương án bố trí ngân sách. Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) - khẳng định: “Ý kiến nhận xét, đánh giá, xác nhận của KTNN về các tồn tại trong quá trình lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán NSNN là những tài liệu quan trọng cung cấp cho cơ quan dân cử để thảo luận, thẩm tra và xem xét quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán NSNN”.

Để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng này, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng tham gia ý kiến của KTNN, nhiều ý kiến cho rằng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN phải là ưu tiên hàng đầu. Đại diện Vụ Tổng hợp (KTNN) kiến nghị sửa đổi Luật NSNN năm 2015, bổ sung quy định điều kiện để KTNN thực hiện nhiệm vụ “Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ NSTƯ”.

Muốn nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán NSNN của toàn Ngành, thì từng đơn vị trong quá trình kiểm toán, thu thập thông tin phải nắm rõ, đánh giá rất kỹ tình hình kinh tế - xã hội, nguồn thu mới, khả năng phát sinh, số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường, số lượng doanh nghiệp tạm dừng, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, các nguồn thu khác… để đưa ra ý kiến.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

“Cần quy định rõ về thẩm quyền của KTNN trong việc tiếp cận các thông tin, tài liệu về dự toán NSNN; quy định rõ trách nhiệm các cơ quan của Chính phủ, các địa phương trong việc gửi báo cáo dự toán NSNN cho KTNN, trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu lập dự toán NSNN theo yêu cầu của KTNN; phối hợp trao đổi về các ý kiến của KTNN” - Trưởng phòng Vụ Tổng hợp Nguyễn Duy Dũng nêu rõ.

Đại diện Vụ Tổng hợp cũng đề nghị nghiên cứu quy định mối quan hệ giữa KTNN khu vực với Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tham gia ý kiến với HĐND khi thẩm tra, xem xét quyết định dự toán ngân sách địa phương. Bởi hiện nay, vấn đề này mới chỉ được thể hiện trong quy chế phối hợp giữa KTNN với HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố.

Hơn nữa, nhiều ý kiến khẳng định, sự phối hợp giữa các bên liên quan sẽ giúp khắc phục sự chậm, muộn trong cung cấp thông tin về dự toán NSNN theo yêu cầu của KTNN từ các Bộ, ngành, địa phương. Bởi, thực tiễn cho thấy, lập dự toán NSNN là một quy trình phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương.

“Cần quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, trách nhiệm, quyền hạn của KTNN trong quá trình tham gia thẩm tra dự toán NSNN, phân bổ NSTƯ và phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm. Đồng thời, cụ thể hóa cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Tài chính, Ngân sách với KTNN theo hướng Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu ra các vấn đề Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện, trên cơ sở đó, KTNN tập trung làm rõ để phục vụ yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội” - TS. Nguyễn Minh Tân đề xuất.

Đại diện KTNN chuyên ngành II nhấn mạnh, quá trình tham gia ý kiến về dự toán NSNN đòi hỏi nhiều thông tin về nhiều vấn đề, trên nhiều lĩnh vực như: Thực trạng kinh tế - xã hội của từng đơn vị kinh tế, từng ngành, từng vùng, từng lĩnh vực; tình hình thực hiện ngân sách của từng Bộ, cơ quan trung ương; số liệu về tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu có liên quan, quy định về chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, khả năng thu ngân sách; nhu cầu vốn đầu tư phát triển và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước…

“Những thông tin này rất quan trọng, là cơ sở, căn cứ để KTNN đánh giá, cho ý kiến về dự toán NSNN. Do vậy, các Bộ, cơ quan trung ương cần cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu về lập dự toán NSNN theo đúng quy định của pháp luật, theo yêu cầu của KTNN và phối hợp, trao đổi về các ý kiến của KTNN” - đại diện KTNN chuyên ngành II đề nghị.

Hoàn thiện và đổi mới quy trình chuyên môn, nghiệp vụ

Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, KTNN cũng xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Ngành, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp trong tổ chức thực hiện; trong đó có việc hoàn thiện, đổi mới quy trình chuyên môn, nghiệp vụ cũng như việc tham gia ý kiến.

Đại diện Vụ Tổng hợp đề nghị tiếp tục rà soát các quy định chuyên môn, nghiệp vụ của KTNN có liên quan tới việc lập Báo cáo ý kiến dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ. “Hiện nay, KTNN đã ban hành các văn bản hướng dẫn tham gia ý kiến dự toán ngân sách địa phương và các Bộ, cơ quan trung ương. Tuy nhiên, KTNN cần tiếp tục rà soát các quy định của hướng dẫn, để tham mưu Lãnh đạo KTNN xem xét ban hành các quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc” - Trưởng phòng Vụ Tổng hợp Nguyễn Duy Dũng góp ý.

KTNN chuyên ngành II cho rằng, KTNN cần hoàn thiện quy trình, chuẩn mực, hồ sơ mẫu biểu cho công tác chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN; hoàn thiện việc ban hành các quy định, quyết định phân công nhiệm vụ trong cơ quan KTNN để phân giao nhiệm vụ kiểm tra, phân tích, đánh giá và chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN. Đồng thời, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho kiểm toán viên.

Đáng chú ý, một số ý kiến đề nghị KTNN xây dựng cơ chế đánh giá chất lượng ý kiến của KTNN về dự toán NSNN trên cơ sở công khai ý kiến của KTNN đến Quốc hội trên Website, tiếp nhận sự phản hồi về chất lượng ý kiến để nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện trong việc lựa chọn các vấn đề, xác định trọng tâm ý kiến KTNN cần tham gia nhằm đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và sự quan tâm của xã hội. “Cũng như hoạt động kiểm toán, khi có ý kiến về dự toán ngân sách, chúng ta phải lựa chọn những vấn đề mang tính chất trọng yếu để tập trung có ý kiến” - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Huỳnh Hữu Thọ lưu ý.

Ngoài ra, KTNN khu vực V đề nghị xây dựng kho dữ liệu dự toán của các địa phương để làm cơ sở cho ý kiến dự toán mà các địa phương xây dựng. Các ý kiến cũng đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính công, tài sản công; từng bước nghiên cứu các phần mềm ứng dụng phân tích, dự báo thu, chi NSNN nhằm phục vụ tốt cho việc lập Báo cáo ý kiến về dự toán NSNN.

Trong khi đó, KTNN khu vực I kiến nghị thường xuyên duy trì kênh thông tin, trao đổi, liên lạc giữa các KTNN khu vực và các tỉnh, thành phố được kiểm toán để công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời cũng như duy trì kênh thông tin liên lạc giữa các cấp thực thi để có thể nắm bắt kịp thời, yêu cầu bổ sung thông tin, tài liệu trong trường hợp cần thiết...

Có thể khẳng định, việc KTNN cho ý kiến về dự toán NSNN giữ vai trò vô cùng quan trọng. Những giải pháp hoàn thiện về hành lang pháp lý, sự đổi mới quy trình, nghiệp vụ từ nội bộ Ngành sẽ từng bước nâng tầm chất lượng ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, nhất là đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội, Chính phủ và cử tri cả nước đối với KTNN về vấn đề này./.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bai-4-giai-phap-nang-cao-chat-luong-y-kien-cua-kiem-toan-nha-nuoc-ve-du-toan-ngan-sach-nha-nuoc-35385.html