Bài 4: Mục tiêu cao nhất là công bằng và minh bạch trong tuyển quân
Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân bằng thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) là trách nhiệm, nghĩa vụ và là niềm vinh dự của mỗi công dân. Để mọi công dân đều xác định tốt nghĩa vụ của mình thì điều rất quan trọng là tạo ra những tiền đề tốt nhất để thực hiện công bằng và minh bạch trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ.
Bài 1: Vì sao tuyển ít, gọi nhiều?
Bài 2: Báo động tình trạng trốn nghĩa vụ quân sự
Bài 3: Cần điều chỉnh lại tiêu chí cho phù hợp thực tiễn
Tiên quyết là sự công bằng
Đã có nhiều ý kiến kiến nghị, luật pháp cần quy định mọi công dân đều phải trải qua thời gian thực hiện NVQS trước khi lập thân, lập nghiệp, đây cũng là vấn đề tạo sự công bằng trong trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với Tổ quốc.
Cụ thể hơn, cử tri tỉnh Thái Bình đã đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015, quy định theo hướng tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện NVQS, sau đó mới được đi học đại học hoặc học nghề. Việc này nhằm để bảo đảm tính nghiêm minh và công bằng.
Trên thực tế, có một số quốc gia quy định mọi công dân đều phải thực hiện NVQS, nhưng xuất phát từ điều kiện của từng quốc gia. Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình, Bộ Quốc phòng cho biết: Theo Luật NVQS năm 2015, mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú...
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp và nhiều yếu tố khác chi phối nên chưa thể gọi hết nam thanh niên nhập ngũ. Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quốc Hải, Trưởng phòng quân số Chính sách, Cục Quân lực phân tích thêm: “Chúng ta cần hiểu rõ mục đích của việc gọi công dân nhập ngũ là để làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động công tác khác (phòng, chống thiên tai; cứu hộ, cứu nạn...) theo yêu cầu bảo vệ Tổ quốc gắn với từng giai đoạn cụ thể chứ không phải gọi hết công dân vào Quân đội chỉ để nuôi quân.
Vì thế, số lượng gọi bao nhiêu đã được Nhà nước, Quân đội, các cơ quan chức năng tính toán kỹ lưỡng, phù hợp tổ chức biên chế, nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn”.
Dù chỉ là hiện tượng được dư luận phản ánh nhưng rất đáng lưu ý, đó là tình trạng con em gia đình có điều kiện kinh tế thì không phải nhập ngũ, trong khi con em gia đình không có điều kiện kinh tế thì phải nhập ngũ. Chưa có con số chính xác, tuy nhiên, theo khảo sát của nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bước đầu, tỷ lệ con em cán bộ từ cấp xã, phường trở lên nhập ngũ rất thấp.
Hệ quả là chất lượng tuyển quân chưa phải là cao nhất, trong khi điều này gây ra cái nhìn tiêu cực, tạo dư luận xấu. Năm 2021, gửi ý kiến qua Ban Dân nguyện của Quốc hội, cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Hiện nay, trong thực tế có một số trường hợp công dân trong độ tuổi nhập ngũ mà gia đình có điều kiện được học tập, có kinh tế mà có xác nhận đăng ký du học hoặc hợp tác lao động nước ngoài của cơ quan chức năng thì né tránh thực hiện NVQS; còn những công dân gia đình không có điều kiện để học hành, trình độ học vấn thấp, không có điều kiện kinh tế đi xuất khẩu lao động thì phải thực hiện NVQS, thậm chí trong gia đình có 2-3 công dân phải thực hiện NVQS, có gia đình lại không, do vậy không công bằng.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội với nỗ lực cao nhất đã luôn quan tâm đến chế độ chính sách, công tác hậu phương Quân đội. Theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được bảo đảm về vật chất, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Quân đội, được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định.
Khi xuất ngũ được hưởng trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm, được cấp thẻ học nghề, được ưu tiên trong hướng nghiệp, đào tạo nghề, bố trí việc làm và một số chế độ chính sách khác. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo công tác hậu phương Quân đội đối với gia đình có con em lên đường nhập ngũ.
Các địa phương hiện nay cũng rất quan tâm đến công dân nhập ngũ bằng các chính sách cụ thể. Hầu hết ở các địa phương, công tác tuyển quân đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhiều nơi có chính sách bảo đảm ngày càng tốt hơn cho công dân thực hiện NVQS.
Tại Hải Phòng, mỗi công dân nhập ngũ được tặng một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng. Nhiều tỉnh, thành phố khác thực hiện tặng sổ tiết kiệm, giúp đỡ gia đình công dân nhập ngũ, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ... Dù vậy, chính sách này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng địa phương chứ chưa thành quy định chung.
Từ thực tiễn, một số ý kiến cho rằng, để khuyến khích, động viên, đồng thời để mọi công dân xác định quyết tâm cao nhất được phục vụ Quân đội thì Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu để mức phụ cấp hằng tháng của hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian tại ngũ (24 tháng) gần tiệm cận với mức lương của người lao động phổ thông không cần bằng cấp, trình độ trong xã hội; ít nhất phải bằng khoảng 4 tháng lương tối thiểu (hiện nay tương đương 5,5-6 triệu đồng). Tất nhiên, những vấn đề này đều phải được luật hóa để không trái với Hiến pháp và không làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc đối với mỗi công dân.
Thực tiễn cũng cho thấy, cần có những chính sách đặc biệt đối với công dân nhập ngũ sau khi tốt nghiệp đại học. Bởi những công dân này sau khi ra quân sẽ lập nghiệp chậm hơn so với những người đồng trang lứa. Chưa kể đến chuyện trong hai năm này, cơ hội có được những công việc tốt của họ bị bỏ lỡ. Mặt khác, đối với những người hoàn thành NVQS cũng phải được ưu tiên cao hơn so với quy định hiện nay khi thi tuyển đại học, cao đẳng, thi công chức; tuyển chọn vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị một cách xứng đáng và phù hợp với thực tiễn.
Vấn đề đào tạo nghề cho bộ đội khi xuất ngũ cũng cần được xem xét thỏa đáng. Ý kiến của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi qua Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu, có cơ chế, chính sách ưu đãi về đào tạo nghề cho quân nhân ngay trong thời gian đang thực hiện NVQS (được đào tạo nghề tập trung ngay sau khi hoàn thành NVQS) và có định hướng theo nhu cầu đào tạo nghề của các doanh nghiệp để thanh niên có việc làm ngay sau khi hoàn thành NVQS.
Liên quan tới nội dung này, Đại tá Nguyễn Quốc Hải đề nghị cần sửa đổi quy định về đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ để phát huy tốt hơn chính sách của Đảng, Nhà nước đối với bộ đội xuất ngũ. Đồng thời, trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cần ưu tiên, quan tâm đối với bộ đội xuất ngũ hơn nữa để kịp thời giúp họ ổn định cuộc sống, đó cũng là động lực để động viên, khích lệ các công dân tiếp sau hăng hái lên đường nhập ngũ.
Minh bạch để đồng thuận
Một trong những “cổng gác” để nhiệm vụ tuyển quân có được thực hiện tốt hay không đó là công tác bình cử. Bình cử là giải pháp thực hiện tuyển chọn công dân, gọi công dân nhập ngũ, được thực hiện theo hình thức từ cấp thôn, bản, tổ dân phố (cấp thôn) đến xã, phường, thị trấn (cấp xã)...
Thành phần tham gia bình cử có các trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, chính quyền, đoàn thể... để xem xét, đánh giá từng trường hợp có đủ điều kiện hoặc thuộc diện nhập ngũ, diện miễn, hoãn hay không. Việc này phải được tiến hành rất công khai, dân chủ, minh bạch và phải đặt chất lượng lên hàng đầu; nếu làm không tốt thì chất lượng tuyển quân sẽ không tốt.
Nói về cách làm của địa phương mình, ông Nguyễn Văn Chiến, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Quảng An, quận Tây Hồ (TP Hà Nội) cho biết: “Sau các bước rà soát những trường hợp trong độ tuổi thực hiện NVQS, danh sách này được gửi về các tổ dân phố để rà soát lại lý lịch. Sau đó, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, ban công tác mặt trận cùng hội đồng NVQS phường tiến hành bình cử các trường hợp, thống nhất danh sách gọi khám tuyển để hội đồng NVQS phường chốt, gửi về niêm yết ở tổ dân phố”.
Ông Nguyễn Chu Thực, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 3, phường Quảng An đánh giá: “Nhờ bình cử chặt chẽ mà nhiều trường hợp nghe tưởng bình thường nhưng đến khi tìm hiểu cụ thể mới thấy rõ khó khăn. Sau khi niêm yết ở bảng tin, một số bà con cũng thắc mắc còn có trường hợp trong độ tuổi thực hiện NVQS nhưng không có tên, chúng tôi giải thích cụ thể nên bà con hiểu”.
Còn ông Đỗ Văn Vĩnh, Trưởng thôn 5, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) thông tin: “Năm nào thôn cũng tổ chức bình cử dân chủ, công khai, minh bạch và niêm yết công khai danh sách gọi khám tuyển để người dân giám sát”.
Cũng rất tán thành cách làm dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển quân, ông Vũ Hữu Măng ở thôn 10, xã Ngọc Tảo (có con là Vũ Hữu Giáp, sinh năm 2004, nhập ngũ về Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân) chia sẻ: “Tôi không lấn cấn gì về việc con mình thực hiện NVQS. Cháu đến tuổi trưởng thành, có nguyện vọng nhập ngũ thì tôi rất ủng hộ. Hơn nữa, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, Quân đội cũng rất tốt với bản thân cháu và gia đình, tôi không mong gì hơn là cháu phấn đấu rèn luyện tốt”.
Trung tá Tạ Văn Hải, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) cho biết: “Việc bình cử ở cơ sở của huyện Phúc Thọ diễn ra công khai, minh bạch. Công dân nếu đủ điều kiện nhập ngũ thì dù là con cán bộ vẫn nhập ngũ như mọi công dân khác. Năm 2021, xã Ngọc Tảo có công dân Vũ Tuấn Kiệt, sinh năm 1999, là con ông Vũ Đức Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo, đã bảo lưu kết quả học tại Trường Đại học Mỏ-Địa chất để nhập ngũ”.
Đại tá Nguyễn Quốc Hải nhận định, bình cử là khâu rất quan trọng để bảo đảm minh bạch, công bằng. Đây chính là vấn đề phát huy dân chủ ở cơ sở, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát. Lý lịch, đạo đức, sức khỏe, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng công dân thì những người trong thôn, trong bản, tổ dân phố ấy sẽ biết rõ nhất vì họ gần gũi nhất. Nếu làm tốt việc bình cử này thì sẽ ngăn chặn, hạn chế tệ nạn tiêu cực trong công tác tuyển quân.
Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4-10-2018 “Quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ” của Bộ Quốc phòng, tại Điều 2 “Nguyên tắc, yêu cầu tuyển quân” quy định:
1/ Thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy trình, quy định trong công tác tuyển quân.
2/ Tuyển đủ quân số, bảo đảm chất lượng, lấy tiêu chuẩn từ cao xuống thấp; thực hiện dân chủ, công bằng, công khai, an toàn, tiết kiệm.
3/ Đề cao trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển quân.
4/ Chú trọng tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, người dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên, góp phần tạo nguồn xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
(còn nữa)