Bài 4: Người chèo đò trên núi

Sáng đèn đom đóm nơi đỉnh trời Tây Bắc

>>>Bài 1: Vượt núi tìm chữ

>>>Bài 2: Học bán trú thích hơn ở nhà

>>>Bài 3: Gác nỗi đau mất cha, đoạt giải quốc gia môn Vật lý

LCĐ - Nghề giáo được ví như người chèo đò đưa con thuyền kiến thức cập bến tương lai. Vậy với những người chèo đò trên núi, họ đang phải trải qua điều gì? Tất nhiên là khó khăn, thử thách, nhưng điều đọng lại trong câu chuyện của chúng tôi chỉ là những người chèo đò ấy tâm huyết với nghề. Với những đứa trẻ vùng cao, thầy cô thực sự là cha mẹ thứ hai quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Chính họ đã thắp lửa cho giấc mơ đến trường của học sinh vùng cao.

Thầy Thào Vư đưa học sinh đến trường.

Thầy Thào Vư đưa học sinh đến trường.

Nghe tin Sa Pa lại chuyển lạnh, các giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Chải (thị xã Sa Pa) cùng học sinh tỏa lên núi nhặt củi khô về đốt lấy than, trang bị mỗi lớp một chậu than sưởi ấm. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các giáo viên nhà trường còn lên ý tưởng thu hút học sinh đến lớp nhằm duy trì tỷ lệ chuyên cần.

Theo chia sẻ của cô giáo Lê Thanh Nga, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Chải chủ yếu là học sinh người Mông và Dao. Để duy trì tỷ lệ chuyên cần ở các khối lớp đòi hỏi giáo viên ngoài chuyên môn tốt, còn phải khéo léo. Nhiều gia đình đồng bào vẫn nặng tư tưởng không muốn cho con, nhất là con gái đến trường. Để thay đổi tư tưởng này, các giáo viên phải là người sâu sát với gia đình. Cô Nga cùng các giáo viên khác đã từng đau đáu làm sao để thu hút học sinh nhà xa chăm chỉ đi học. Mỗi buổi lên lớp, các giáo viên đem kẹo, bánh chia cho học sinh, thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa giúp học sinh có tâm lý thoải mái, tươi vui khi đến trường.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Chải có 9 lớp với 333 học sinh, trong đó 188 học sinh bán trú. Thầy Phạm Văn Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đối với học sinh bán trú, nhà trường dành sự quan tâm đặc biệt, bởi các em hầu hết là nhà xa, hoàn cảnh khó khăn. Giáo viên nhà trường chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh. Đó là lý do khiến tỷ lệ chuyên cần của trường luôn được duy trì từ 96% trở lên.

Nhớ lại những ngày giáp Tết Nguyên đán vừa rồi, không khí học tập tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Cao Sơn (Mường Khương) nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Học sinh háo hức chờ đến ngày hội Tết sum vầy. Còn giáo viên cũng bận rộn lên kịch bản cho ngày hội thật vui và ý nghĩa. Trước đó, giáo viên nhà trường đã liên lạc với từng gia đình ghi nhớ lịch cho học sinh tham gia. Ngày hội cũng huy động phụ huynh gần trường cùng chuẩn bị lạt giang, lá dong, gói bánh. Thầy Long Văn Ngạn, Hiệu trưởng nhà trường cũng trực tiếp tham gia chuẩn bị cùng giáo viên và phụ huynh. Thầy Ngạn bảo: Tổ chức được những hoạt động này, học sinh của chúng tôi vui lắm, đây là cách hiệu quả nhà trường duy trì tỷ lệ chuyên cần những ngày giáp Tết.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Cao Sơn có 469 học sinh thuộc 21 lớp, với 154 học sinh ở bán trú. Giáp Tết cũng là thời điểm học sinh vùng cao Cao Sơn lơ là học tập, tỷ lệ chuyên cần thời gian này và sau Tết thường thấp nhất trong năm. Đã bao nhiêu năm giảng dạy, bám địa bàn, giáo viên nhà trường hiểu rõ tâm lý của cha mẹ học sinh. Thầy Thào Vư cùng hai thầy giáo khác là Lù Chẩu Thắng và Sùng Khoa đều là những người con sinh ra từ những bản vùng cao của Cao Sơn, sau khi học nghiệp vụ đã về chính bản làng của mình giảng dạy. Những người thầy của bản trực tiếp đến từng gia đình, nói chuyện, vận động phụ huynh cho trẻ đến trường.

Một buổi học đầu tuần giá rét, lớp thầy Thào Vư vắng 3 học sinh. Liên lạc với phụ huynh qua điện thoại không được, kết thúc buổi học, thầy Thào Vư đến nhà 3 học sinh nắm tình hình.

Đường đến nhà những học sinh này rất khó khăn, xe của thầy Vư nhiều lần kẹt số, nhưng thầy Vư bảo đã quá quen với kiểu đường thôn như thế nên không thấy vất vả. Thầy Thào Vư vào nhà, chỉ thấy học sinh, còn bố mẹ đã lên nương. Thầy tự tay chuẩn bị sách vở cho học sinh rồi dặn nhà hàng xóm là khi phụ huynh về nhắn lại với họ thầy giáo đưa các em đến trường rồi. “Dạy học ở vùng cao là thế, nhưng mình cũng là người của thôn nên nói chuyện phụ huynh nghe lời hơn”, thầy Thào Vư chia sẻ.

Ở những ngôi trường vùng cao, rất cần những giáo viên người bản địa như các thầy Thào Vư, Lù Chẩu Thắng, Sùng Khoa. Họ hiểu được phong tục, tập quán cũng như suy nghĩ của đồng bào, việc vận động phụ huynh cho học sinh ra lớp cũng dễ dàng hơn. Còn đối với các giáo viên từ nơi khác được phân công công tác tại Cao Sơn, mỗi người một cách, họ luôn có “bí quyết” thu hút học sinh đến trường. Đó là những việc làm đơn giản như quan tâm, chăm sóc học sinh, coi chúng như những đứa con cần được yêu thương, bảo vệ.

Khi chúng tôi đến một số điểm trường vùng cao, nếu gặp một nhóm học sinh đến trường, các em sẽ dừng lại khoanh tay “con chào cô ạ!”. Các em nghĩ rằng chúng tôi là những giáo viên mới về trường nhận công tác, chúng dành cho chúng tôi tình cảm, sự kính trọng đặc biệt như chính những giáo viên đang dạy chúng. Có được điều này, chắc hẳn ở vùng cao, các giáo viên đã yêu thương học sinh như thế nào. Bởi theo tâm lý, trẻ nhỏ chỉ dành tình cảm với người thực sự quan tâm, thương yêu chúng.

Bài cuối: “Tiếp lửa” cho phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Mạnh Dũng - Vân Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/bai-4-nguoi-cheo-do-tren-nui-z62n20200514154249421.htm