Bài 4: Phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2022

Chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2022 với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay đã minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của Ninh Bình, đem lại những triển vọng tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, những thách thức đến từ tình hình thế giới cũng như nội tại của nền kinh tế cho thấy không thể chủ quan, lơ là, cần phải kiên định mục tiêu phát triển bền vững làm căn cứ để hoạch định chính sách.

Dây chuyền may tại Công ty TNHH may Nien Hsing (Khu Công nghiệp Khánh Phú) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Anh Tuấn

Dây chuyền may tại Công ty TNHH may Nien Hsing (Khu Công nghiệp Khánh Phú) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Anh Tuấn

Quyết tâm ngay từ đầu năm

Hai năm qua, trong khi không ít địa phương sự tăng trưởng kinh tế rất thấp do đại dịch COVID-19 và những biến động của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, Ninh Bình đã từng bước đi qua gian khó, thích ứng và phục hồi tăng trưởng khá ấn tượng. Năm 2020, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 42.517,2 tỷ đồng, tăng 6,35% so với năm 2019, cao thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng và cao thứ 10 toàn quốc; năm 2021 GRDP tăng 5,71% so với năm 2020.

Tuy nhiên, bước vào năm 2022, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, thêm vào đó tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động đã tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất bị gián đoạn, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, đặc biệt là giá xăng, dầu… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tỉnh.

Nhận diện rõ những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, với sự đoàn kết, nhất trí cao, tỉnh Ninh Bình vẫn đề ra mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022. Theo đó, tại Nghị quyết số 104/ NQ-HĐND ngày 10/12/202, HĐND tỉnh đã đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7% (tương đương giá trị GRDP đạt 48.583,85 tỷ đồng).

Để tạo động lực cho sự phát triển, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đã có nhiều đổi mới với tinh thần chủ động, linh hoạt. Ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; qua đó nắm bắt những thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ, động viên một số doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế.

Mặc dù vậy, kết quả 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt không cao. Giá trị GRDP của tỉnh ước đạt trên 22.500 tỷ đồng, tăng 3,53% so với cùng kỳ và đạt 46,5% kế hoạch năm 2022. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng của cả năm mà nghị quyết HĐND tỉnh đã đặt ra 7% thì kết quả đạt được vẫn còn thấp và đây cũng là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận: Mặc dù kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm không như kỳ vọng nhưng các ngành, các cấp đã phân tích, nhìn nhận rõ những khó khăn, trở ngại và có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Do vậy, chúng ta kiên định với các mục tiêu đã đề ra trong kịch bản tăng trưởng năm 2022. Đồng thời, tỉnh tổ chức hội nghị để đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 và bàn các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Hội nghị có sự tham gia của các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Điều này đã tạo nên sự đoàn kết, thống nhất cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Kiên trì với kịch bản tăng trưởng đã đề ra

Mặc dù kết quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế những tháng đầu năm không cao, song có thể khẳng định chủ trương, cách làm của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay là đúng hướng, bước đi bài bản, chắc chắn, tạo được sự đồng thuận, thống nhất, từng việc công khai, minh bạch nên hạn chế được thất thoát lãng phí, tiêu cực, đảm bảo định hướng phát triển của Ninh Bình là phát triển nhanh, bền vững.

Với tinh thần chuyển từ "quản lý" sang "phục vụ", lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành đã thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trực tiếp đối thoại, lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư thứ cấp; tình hình triển khai dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp; những khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án và các điều kiện để doanh nghiệp phát triển, từ đó triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng nâng cao năng lực nội tại và khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế. Do vậy, bước sang quý III/2022, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi tích cực, nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng khá, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch.

Theo số liệu của Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý III đạt 12,64%. Lũy kế 9 tháng năm 2022 đạt 8,32%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 2,45%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4,79%, riêng công nghiệp đạt 5,49%; khu vực dịch vụ đạt 15,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp đạt 5,27%. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm chỉ đạo. Ninh Bình là 1 trong 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao, đảm bảo đúng quy định. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện tháng 9/2022 đạt trên 2.600 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại hội nghị giao ban tháng 10, lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá: Với kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm nay, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ sự chấp hành nghiêm túc của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh trong việc thực hiện các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; UBND tỉnh cũng đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tếxã hội năm 2022. Đây là cơ sở quan trọng để Ninh Bình tạo đà phát triển trong các năm tiếp theo.

Đặc biệt, kết quả này cũng khẳng định sự bản lĩnh, vững vàng trong công tác điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh, những tồn tại, vướng mắc phát sinh ở cơ sở được khắc phục kịp thời, góp phần khơi thông các nguồn lực. Bên cạnh đó, việc đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tỉnh. Các cấp, các ngành đã cùng chung quan điểm nhất quán, kiên định các mục tiêu đã đề ra và làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, quyết tâm thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.

Tăng tốc những tháng cuối năm

Xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021-2025), là năm hành động và quyết tâm tạo bước đột phá thực hiện các mục tiêu phát triển của giai đoạn 2020-2025. Chúng ta đã đi qua 2/3 chặng đường của năm 2022, để hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, không có cách nào khác là các ngành, các cấp phải tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Trong điều kiện thuận lợi, khó khăn, thách thức luôn song hành, để hoàn thành kế hoạch năm 2022 với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7% là một thách thức rất lớn. Nhưng nhìn từ nội lực nền kinh tế sẽ thấy, có nhiều động lực để đặt niềm tin vào sự phát triển vượt bậc của Ninh Bình trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó động lực nền tảng và dài hạn là việc tỉnh đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế với tinh thần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ rào cản, tạo động lực phát triển. Động lực trực diện là việc tỉnh đang thực hiện nghiêm túc các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ. Điều này đang và sẽ tác động cả phía cung và cầu, thúc đẩy hoạt động đầu tư, tạo đà tăng trưởng mới.

Đồng chí Bùi Duy Quang, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh nhận định: Thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; các sản phẩm công nghiệp chủ lực đa số đều giảm sản lượng so với cùng kỳ, dự kiến một số sản phẩm chủ lực sẽ không đạt được kế hoạch và kịch bản tăng trưởng năm 2022, như: ô tô, may mặc, phân đạm, kính, xi măng… Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các doanh nghiệp, sự đồng hành của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, dự kiến các chỉ tiêu tăng trưởng về doanh thu, xuất khẩu, thu ngân sách cả năm 2022 cơ bản được đảm bảo theo kế hoạch.

Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương cũng cho rằng: Trong quý III các chỉ tiêu phát triển kinh tế đã có bước tiến vượt bậc. Mặc dù một số chỉ tiêu tăng trưởng không cao nhưng tỉnh ta luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Bên cạnh đó, tỉnh có những điểm sáng như xuất khẩu, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp..., những lĩnh vực này cũng có dư địa tăng trưởng lớn trong những tháng cuối năm. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào việc hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 theo kịch bản đã đề ra.

Để đạt các mục tiêu dài hạn đã đề ra, nhiệm vụ trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục kiên trì, kiên định các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Chương trình công tác năm và theo từng nhiệm vụ đặt ra. Tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân, Ninh Bình nhất định sẽ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.

Song Nguyễn

Bài 1: Điểm tựa của nền kinh tế

Bài 2: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bài 3: Đột phá từ thương mại, dịch vụ

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bai-4-phan-dau-dat-cao-nhat-cac-muc-tieu-tang-truong-nam/d20221028083130831.htm