Bài cuối: Để công tác giải phóng mặt bằng trở thành đòn bẩy phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư

Bài 1: Những nút thắt trong giải phóng mặt bằng cần được tháo gỡ

Bài 2: Điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng

GPMB vốn là nhiệm vụ khó khăn, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân cũng như tiến độ triển khai các dự án, công trình.

Đồng chí Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực tế hiện nay một số địa phương còn buông lỏng quản lý về đất đai, gây khó khăn cho công tác GPMB; công các tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân ở cơ sở còn hạn chế; tình trạng đầu cơ đất còn xảy ra. Để tạo thuận lợi cho công tác GPMB trong thời gian tới, đối với các địa phương cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, rà soát, quản lý chặt quỹ đất, tuyên truyền đầy đủ cho người dân; các cấp và ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, bảo đảm quy trình GPMB công khai, minh bạch, xử lý nghiêm vi phạm; quá trình tiếp nhận dự án đầu tư cần phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đồng bộ với quy hoạch ngành khác có liên quan; thưởng tiến độ GPMB nhanh, bàn giao đất sớm.

Tiếp tục xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Phố Nối A

Theo quy định của pháp luật, có hai hình thức lấy đất để thực hiện dự án gồm: Nhà nước thu hồi đất và chủ đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trực tiếp với người dân để GPMB và thực hiện dự án. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy việc thu hồi đất, đền bù và GPMB là những việc khó khăn, kéo dài. Việc GPMB kéo dài sẽ gây thiệt hại cả cho Nhà nước lẫn chủ đầu tư, đồng thời là một nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện của người dân bị thu hồi đất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2025. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến tỉnh sẽ tiếp tục GPMB phục vụ đầu tư đối với 8 khu công nghiệp, diện tích hơn 3,6 nghìn ha; 23 cụm công nghiệp diện tích gần 1 nghìn ha; các dự án đô thị, giao thông và các dự án khác với diện tích 850 ha.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã nêu rõ: Tập trung thu hút đầu tư, nhất là tập đoàn đa quốc gia; các dự án công nghệ cao, tạo động lực phát triển; quan tâm đầu tư, phát triển các khu công nghiệp hiện đại, khu đô thị lớn; nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, giá trị gia tăng, an toàn bền vững; chú trọng đột phá về cơ sở hạ tầng, trọng tâm là giao thông; xây dựng đô thị thông minh, nông thôn mới kiểu mẫu; từng bước chủ động quá trình đô thị hóa ở nông thôn… Nhu cầu sử dụng đất cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030 xác định là rất lớn để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, định hướng trên.

Theo đề xuất nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh tại Báo cáo số 229/BC - UBND ngày 31.12.2020 của UBND tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh dự báo tăng khoảng 26.558,5 ha so với năm 2020, được xác định chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu phát triển an ninh - quốc phòng, phát triển công nghiệp, xây dựng hạ tầng.

Nhằm tạo thuận lợi cho công tác GPMB, ngày 10.1.2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 03/2020/QĐ-UBND quy định một số trường hợp cụ thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Trong đó, mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng 3 lần giá đất nông nghiệp cùng loại và các khoản hỗ trợ khác.

Ngày 28.12.2021, UBND tỉnh có Quyết định số 3022/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”. Nổi bật là một số giải pháp mới nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB như: Trích kinh phí từ nguồn thu từ đất để GPMB; thực hiện thí điểm kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu dân cư. Việc thực hiện đề án đang được ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh tích cực vào cuộc, triển khai, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả trong công tác GPMB trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm các giải pháp như: Tiếp tục rà soát đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai; khi lập kế hoạch và thực hiện GPMB phải bảo đảm trình tự, đúng thực tế từng dự án, đồng thời vận dụng linh hoạt giữa các bước để rút ngắn thời gian thực hiện; công tác GPMB cần có sự tập trung, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân; MTTQ và các tổ chức đoàn thể là nòng cốt tuyên truyền, vận động thuyết phục đoàn viên, hội viên ủng hộ chủ trương GPMB các công trình dự án; giải quyết thỏa đáng, kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo để bảo đảm an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép; thực hiện nghiêm việc cưỡng chế và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối không chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quan tâm đến công tác chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong diện phải thu hồi đất…

Trong tháng 3.2022, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã cùng với đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy, các huyện, thị xã, thành phố, trong nội dung kết luận các buổi làm việc luôn nhấn mạnh công tác GPMB phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo cần được tập trung, quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn. Đồng thời yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo GPMB và Ban Chuyên trách GPMB, tổ giúp việc GPMB. Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm hành vi trục lợi từ chính sách bồi thường, GPMB, gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách GPMB của Nhà nước.

GPMB phục vụ dự án công nghiệp tại xã Chỉ Đạo (Văn Lâm)

Đối với các dự án lớn cần thành lập Ban chỉ đạo GPMB để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường GPMB trên địa bàn tỉnh như: Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư cấp huyện; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về đất đai. UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị thực hiện GPMB phải chủ động trong công tác GPMB, tạo mặt bằng sạch. Các chủ đầu tư linh hoạt trong thực hiện ứng kinh phí GPMB.

Về kinh phí thực hiện GPMB, đối với các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất, dự án đầu tư đã được phê duyệt thực hiện, chủ đầu tư bố trí đầy đủ kinh phí bảo đảm cho việc chi trả bồi thường, hỗ trợ theo phương án được duyệt. Về nguyên tắc phải bảo đảm dự án được triển khai khi đã được bố trí nguồn kinh phí thực hiện. Trích kinh phí từ nguồn thu từ đất để GPMB các cụm công nghiệp, các khu đất đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển sang đất phát triển sản xuất, kinh doanh tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất.

Đối với những dự án sản xuất, kinh doanh thực hiện thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tỉnh sẽ tiếp nhận dự án của các nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm, bảo đảm việc triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ được chấp thuận để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Minh Nghĩa – Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202206/bai-cuoi-de-cong-tac-giai-phong-mat-bang-tro-thanh-don-bay-phat-trien-ha-tang-thu-hut-dau-tu-0ef2fef/