Bài cuối: Tìm giải pháp ổn định vùng sản xuất chè

>>> Bài 1: Vùng chè trước ngày 'sốt' giá

Cần hài hòa giữa lợi ích nông dân và doanh nghiệp

>>> Bài 2: Có hay không việc tranh mua, tranh bán?

LCĐT - Trước phản ánh của Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình, UBND huyện Mường Khương đã có văn bản chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các xã Bản Lầu, Bản Sen, Lùng Vai, Thanh Bình, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch đối thoại trực tiếp với Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình và Hợp tác xã chè Mường Khương. Thanh tra huyện chủ trì làm việc với các đơn vị, địa phương liên quan và Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình, xác minh phản ánh của công ty.

Sản xuất, chế biến chè tại nhà máy của Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình.

Sản xuất, chế biến chè tại nhà máy của Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình.

Ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã Lùng Vai cho biết: Khi có thêm nhà máy chế biến chè vào hoạt động đã góp phần giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Trước đây, chính quyền địa phương rất đau đầu khi người trồng chè phản ánh bị doanh nghiệp ghìm giá, thu mua thiếu minh bạch, hợp đồng chưa rõ ràng…

Giải pháp nào ổn định vùng nguyên liệu chè để những người đã gắn bó với cây chè được hưởng lợi? Vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà cần các doanh nghiệp và người trồng chè thống nhất với nhau.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Qua theo dõi nhiều năm, phản ánh từ người dân và chính quyền các địa phương trong vùng trồng chè đều có chung nhận định Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình không đủ năng lực tiêu thụ hết nguyên liệu của vùng chè Mường Khương (hơn 3.000 ha) nên huyện mới có chủ trương thu hút thêm doanh nghiệp chế biến chè. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp này không làm tốt việc phát triển thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm chè. Giá thu mua thấp, người dân không mặn mà với cây chè, về lâu dài có thể dẫn đến nguy cơ mất vùng nguyên liệu. Trước đây có một cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình vào thu mua mà Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình đã một phen điêu đứng, nay có thêm đơn vị mạnh vào hoạt động chắc chắn công ty này sẽ gặp khó khăn về nguyên liệu. Lẽ ra Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình phải tận dụng lợi thế để phát triển vùng nguyên liệu bền vững nhưng qua nhiều lần chuyển đổi mô hình quản lý, đơn vị này vẫn loay hoay chưa xây dựng được.

Ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương khẳng định: Có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực như chè, dứa, chuối, dược liệu, ớt, rau trái vụ,… huyện có chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản trên địa bàn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân. Các doanh nghiệp thu mua nông sản theo giá thị trường, cạnh tranh lành mạnh sẽ có lợi cho nông dân, vì vậy quan điểm của huyện là ủng hộ và tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh đúng quy định pháp luật.

Những khó khăn về nguyên liệu đặt ra với Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình khi vùng chè Mường Khương có thêm một nhà máy chế biến đi vào hoạt động với các chính sách thu mua vượt trội hơn về giá cả, cách thức đã được dự báo trước. Tuy nhiên, việc trong một vùng nguyên liệu có nhiều đơn vị tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm là tín hiệu đáng mừng đối với nông dân, vì qua đó sản phẩm nông nghiệp sẽ được nâng giá trị, người dân cũng có quyền hợp tác với đơn vị mà họ tin tưởng, sẵn sàng đồng hành và chia sẻ lợi nhuận. Có sự canh tranh thì yêu cầu doanh nghiệp phải đưa ra phương án “dài hơi” là gắn bó chặt chẽ với nông dân, có giải pháp đầu tư vùng nguyên liệu cho riêng mình hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, đảm bảo chất lượng đầu vào nguyên liệu.

Tuy vậy, những lùm xùm giữa 2 đơn vị sản xuất chè trên địa bàn nếu không được giải quyết có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của Mường Khương trong vấn đề thu hút đầu tư. Vì vậy, việc đối thoại công khai, minh bạch giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp và người trồng chè là cần thiết.

Vùng nguyên liệu chè Mường Khương muốn phát triển ổn định cần có giải pháp đồng bộ. Đó là cần đầu tư ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm; cần có cuộc cách mạng trong cơ cấu nguồn cung để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, phá thế độc quyền trong thu mua, mang lại lợi ích hài hòa giữa người trồng chè và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/212505-bai-cuoi-tim-giai-phap-on-dinh-vung-san-xuat-che