Bài cuối: Xây dựng nông thôn mới bền vững

Trà Vinh đã và đang phát huy sức mạnh đại đoàn kết; vận dụng mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhằm đưa mục tiêu 'Tỉnh nông thôn mới' về đích trước năm 2025... Trên hành trình đó, Chỉ thị số 40/CT-TW đã mang đến bước đột phá mới cho cấp ủy chính quyền và là trụ đỡ chính sách quan trọng cho đồng bào các dân tộc trong địa bàn vươn lên.

Người người vào cuộc

Chỉ cho chúng tôi căn nhà lá tầm vông và cột tre mục nát, ông Sơn Quang Minh ở ấp Cây Da, xã Đại An, huyện Trà Cú cho biết, đó là căn nhà của gia đình ông ở khi còn là hộ nghèo. Nhờ chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ cho vay 8 triệu, rồi 25 triệu đồng của Chương trình hộ nghèo; gia đình ông đã đầu tư chăn nuôi bò và từng bước thoát khỏi khó nhọc; chăm lo cho con cái học hành, cất được nhà ở kiên cố hơn và mua sắm phương tiện giao thông...

 Toàn cảnh chùa Giồng Lớn - nơi sinh hoạt tín ngưỡng và tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước

Toàn cảnh chùa Giồng Lớn - nơi sinh hoạt tín ngưỡng và tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước

"Chính sách cho vay của NHCSXH đã giúp cho chúng tôi rất nhiều. Cho vay vốn không cần tài sản thế chấp, lãi suất ưu đãi, không như ở ngoài, lãi nặng lắm. Các tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn của tôi, đều vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay NHCSXH, hiện thành hộ khá giả được 70 - 80%. Bây giờ, có vốn của Nhà nước hỗ trợ cho làm ăn, chăn nuôi, hộ nào hộ nấy cũng siêng năng, chăm chỉ, ý thức làm ăn" - ông Minh tâm sự.

Hiệu ứng thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW thêm lan tỏa khi mỗi người dân đều có thể trở thành "người truyền lửa" cho tín dụng chính sách; như bà Diệp Thị Trang ở ấp Giồng Đình, xã Đại An là một ví dụ. Trước sự cạnh tranh của đồ nhựa, bà đã tiên phong chuyển đổi các sản phẩm nông cụ bằng tre đan thành những mô hình sản xuất quà lưu niệm cho khách du lịch. Đồng thời, mở lớp truyền nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ cho bà con trong ấp.

Cùng với đó, trong vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn, bà Trang đã vận động chị em vay vốn chính sách để tăng gia sản xuất, đan lát có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Đến nay, cơ sở đan lát của bà có tới 87 chị em tham gia, trong đó có 52 chị em vay vốn NHCSXH. Thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Nói về "người truyền lửa" Diệp Thị Trang, chị Nhan Thị Nê - thành viên cơ sở sản xuất của bà Trang chia sẻ, "ngày trước không có vốn, muốn làm cái gì cũng khó. Khi được chị Trang giới thiệu vào Tổ tiết kiệm và vay vốn, tôi tự tin hơn, chủ động hơn trong sản xuất, đan lát. Thậm chí, chỉ cần ngồi tại nhà, cũng có người chở nguyên vật liệu tre, trúc vào tận nơi, việc đan lát thuận lợi hơn, mỗi tháng thu được 5 - 6 triệu đồng".

Và thật hạnh phúc, sự nỗ lực của bà Trang cùng các chị em trong ấp đã thu được kết quả khích lệ. Năm 2020, bộ sản phẩm đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của hộ kinh doanh Diệp Thị Trang đạt giải Nhì sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Trà Vinh - lần thứ V và được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh chuẩn 3 sao.

Quyết tâm về đích trước hạn

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, sự nỗ lực cố gắng của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trong tỉnh đã từng bước đẩy lùi khó khăn, đưa tỉnh Trà Vinh đến gần hơn với tỉnh nông thôn mới.

Nông thôn mới đã mang lại cuộc sống sung túc cho người dân xã Đại An, Trà Cú

Nông thôn mới đã mang lại cuộc sống sung túc cho người dân xã Đại An, Trà Cú

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 9/9 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 44/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 51,76%; 7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 639/640 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, ấp nông thôn mới. Đối với tỉnh, hoàn thành 7/8 tiêu chí. Với những kết quả đạt được, cả hệ thống chính trị và Nhân dân Trà Vinh, đặc biệt là đồng bào Khmer đang tập trung hoàn thành tỉnh nông thôn mới trước năm 2025.

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới hướng đến là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, do đó, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thu hút được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đoàn thể cũng như sự đồng lòng hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, trong đó có đồng bào Khmer. Với khoảng 32% dân số là dân tộc Khmer, đồng bào Khmer đã chung tay thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh còn 1.827 hộ, chiếm 2,03% tổng số hộ Khmer; hộ cận nghèo là 2.926 hộ, chiếm 3,25% tổng số hộ Khmer.

Tại các phum sóc vùng sâu, vùng xa, đồng bào Khmer đã phát huy vai trò trong việc hình thành và phát triển chương trình thi đua xây dựng nông thôn mới bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể như: Hiến đất, góp công làm đường, xây cầu, thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăm lo lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Đặc biệt hơn cả, với sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy chính quyền địa phương, trong đó có nguồn vốn tín dụng ưu đãi, mỗi hộ đồng bào còn đang khó khăn đã tự ý thức trách nhiệm của mình là phải thoát nghèo, phải nâng cao thu nhập để cùng với chính quyền xây dựng quê hương giàu mạnh.

Nhờ sự cố gắng, trách nhiệm của từng người dân, đã góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 3.416 hộ nghèo, chiếm 1,19% so với tổng số hộ dân. Hiện nay, đến địa phương nào cũng thấy những con đường bê tông thẳng tắp cùng những căn nhà kiên cố đã thay cho những căn nhà xiêu vẹo, dột nát trước đây.

Chia sẻ về diện mạo quê hương, sư cả Trương Văn Biển, trụ trì chùa Giồng Lớn, huyện Trà Cú phấn khởi chia sẻ, xây dựng nông thôn mới giúp diện mạo nông thôn vùng đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc, người dân được thụ hưởng nhiều điều tốt đẹp. Vì vậy, cần sự chung tay, góp sức cùng Nhà nước tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện, tạo điều kiện giúp đời sống người dân ngày càng phát triển.

"Trà Cú đạt chuẩn huyện nông thôn mới, bản thân tôi và những người có uy tín, người dân Khmer rất mừng, hy vọng địa phương ngày càng phát triển, góp phần cùng tỉnh Trà Vinh phát triển hơn, xây dựng thành công tỉnh nông thôn mới" - sư cả Trương Văn Biển khẳng định.

Đức Kiên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-xay-dung-nong-thon-moi-ben-vung-post391343.html