Bài học cảnh tỉnh

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ vi phạm có lẽ là chủ đề không bao giờ giảm tính thời sự. Dư luận đang tiếp tục 'nóng' lên cùng với việc Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án 'chuyến bay giải cứu' với số lượng 54 bị cáo.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử chuyến bay giải cứu. Ảnh Hữu Hưng

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử chuyến bay giải cứu. Ảnh Hữu Hưng

Những bản luận tội và đề nghị mức án nghiêm khắc đã được đưa ra, trong đó có cả mức án tử hình. Đây thực sự là một bài học cảnh tỉnh cho tính gương mẫu, trung thực và tự tu dưỡng bản thân của mỗi cán bộ, đảng viên trong sử dụng quyền lực.

Ngay khi vụ việc này được phát giác, dư luận đã không khỏi giật mình khi kết luận điều tra được cơ quan bảo vệ pháp luật công bố về hành vi, cách thức, số tiền “qua lại” giữa quan chức và DN trong việc lợi dụng một chủ trương, chính sách đúng để trục lợi, gây nên các tội danh “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ” “Môi giới hội lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Chính bản luận tội đã chỉ ra, trong đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương nhân đạo tổ chức "chuyến bay giải cứu" công dân mắc kẹt ở nước ngoài về nước, lợi dụng chủ trương này, một số bị cáo là những cán bộ có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, buộc DN phải nâng giá vé máy bay để có "bôi trơn", đưa hối lộ...

Theo dõi vụ án có thể thấy, các cán bộ ở nhiều bộ, ngành, địa phương đã nhận hối lộ cực kỳ tinh vi với số tiền đặc biệt lớn khi được giao cấp phép các "chuyến bay giải cứu". “Hành vi nhận hối lộ của 21 cán bộ đã "phản bội sự cố gắng của chính đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp của mình"”- như chính nhận định của Viện Kiểm sát Nhân dân.

Đây không phải là vụ việc tiêu cực duy nhất xảy ra trong thời điểm dịch bệnh hay trục lợi lớn từ khó khăn của cộng đồng trong thời gian qua. Dường như cán cân giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng luôn không cân bằng, rất dễ xô lệch bởi lòng tham, bởi sự vụ lợi trước mắt. Dù biện minh với hình thức nào, từ vụ việc ấy, nhiều ý kiến đã nhìn nhận, ở vị trí những người cán bộ này hơn ai hết phải hiểu và hiểu rõ những gì được làm, những gì không được làm. Vô tình hay cố ý để sai phạm xảy ra, đó là biểu hiện của tiêu cực, sự suy thoái khi để lợi ích hay các quan hệ cá nhân xen vào việc công.
Việc xử lý nghiêm khắc, đưa các vụ việc ra xét xử công khai là việc làm kịp thời và minh bạch của Đảng, Nhà nước trong việc cương quyết xử lý nghiêm cán bộ các cấp có vi phạm, khuyết điểm, dù ở cấp nào, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, không ai có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật. Và mỗi lần cán bộ vi phạm bị kỷ luật, bị ra tòa như vụ việc lần này cũng là một lần cảnh tỉnh chúng ta về tình trạng tha hóa trong sử dụng chức vụ, quyền lực công. Những sai phạm ấy, nếu có, phải được xử lý kiên quyết, thật nghiêm minh, đúng người, đúng tội, để giữ vững niềm tin cho Nhân dân và còn có tác dụng răn đe những ai có tư tưởng trục lợi.

Với vụ án lần này, những hành vi, vi phạm của từng cá nhân, đúng sai ra sao trong vụ việc này chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Nhưng từ hình ảnh các bị cáo, những người đã từng giữ những trọng trách quan trọng giờ phải đứng trước vành móng ngựa thật đáng buồn khi họ đã không giữ được mình trước cám dỗ vật chất. Nhưng cũng hy vọng rằng, việc xử lý cương quyết và mạnh mẽ, tiếp tục mở ra những tín hiệu tích cực trong công cuộc đấu tranh với tiêu cực, nhũng nhiễu từ trên xuống dưới và thực sự là những bài học đắt giá trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người cán bộ - công bộc của dân.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-hoc-canh-tinh-725874.html