Bài học nhân rộng các hoạt động bảo vệ môi trường

Nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường (BVMT), 5 năm qua các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều mô hình điểm từ thu gom, tái chế rác đến chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, phục hồi điểm đen ô nhiễm. Khi nhân rộng ra thực tế, các hoạt động này để lại những bài học quý giúp BVMT bền vững.

Cán bộ Sở TN-MT hướng dẫn nông dân xã Bình Ngọc sử dụng thùng ủ phân hữu cơ đúng kỹ thuật. Ảnh: MINH DUYÊN

Gắn với hiệu quả thực tế

Một thời gian dài, các mô hình thu gom rác thải sinh hoạt tại các đơn vị công và HTX gặp khó do thu không đủ chi. Ngân sách nhà nước vì thế phải bù lỗ hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Khi tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa, không những chấm dứt tình trạng này mà lượng rác được thu gom cũng tăng lên. Theo UBND huyện Phú Hòa, địa phương hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Tú thu gom rác thải trên toàn huyện. Nhờ đó, lượng rác thu gom đạt trên 90%, vừa tăng cường được vai trò quản lý nhà nước với hoạt động này vừa không phải bù lỗ dịch vụ.

Đối với các mô hình tái chế rác thải, hiệu quả thấy rõ khi các sản phẩm thân thiện với môi trường có chỗ đứng trên thị trường. Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) là đơn vị đầu tiên đưa mô hình tái chế rác hữu cơ thành phân compost, nước tẩy rửa sinh học… về Phú Yên.

Trong quá trình chuyển giao, đơn vị này cho rằng cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp để xúc tiến thương mại đưa sản phẩm ra thị trường nhằm tạo lợi nhuận tái đầu tư. ThS Trần Thị Hoa, Giám đốc GreenHub cho biết: Bài học thực tế từ các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ninh cho thấy thị trường chấp nhận sản phẩm thì hiệu quả của mô hình mới được khẳng định và thông điệp BVMT mới được lan tỏa bền vững.

Trong khi đó, trong “cuộc chiến” với rác thải nhựa nguy hại, hiện các sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn chưa thay thế được túi ni lông, hộp xốp… bởi chưa có được ưu thế về giá thành, tính tiện dụng cũng như khả năng chiếm lĩnh thị trường nhưng người tiêu dùng đã dần có ý thức hơn trong việc giảm sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.

Chị Nguyễn Thị Thơm ở phường 5, TP Tuy Hòa, cho biết: Trong cuộc sống bận rộn như hiện nay, những người nội trợ như tôi nhiều khi tranh thủ thời gian đi chợ nên không phải lúc nào cũng mang theo làn, túi cói… Nhưng mỗi khi có điều kiện, tôi đều hạn chế dùng túi ni lông để góp phần BVMT.

Đồng hành với các chương trình mục tiêu

Xây dựng nông thôn mới mà một trong những chương trình quan trọng giúp hoạt động BVMT được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc hoàn thành các chỉ tiêu. Theo Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới tỉnh, năm 2010, cả tỉnh không có xã nào đạt tiêu chí 17 về môi trường. Sau 10 năm (năm 2020), 59/83 xã đạt, chiếm 71% và hiện nay số xã đạt chiếm 89%.

Cùng với đó, một số vấn đề môi trường được giải quyết như xóa các điểm gây ô nhiễm môi trường, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng… Những con đường hoa khắp làng quê cũng theo đó nở rộ, góp phần làm cho Phú Yên thêm xanh, sạch, đẹp… Số lượng vườn mẫu nông thôn mới tăng lên 5 vườn như hiện nay cho thấy sản xuất an toàn sinh học đang là xu hướng được người dân tích cực hưởng ứng.

Các chương trình xóa đói, giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp… cũng góp phần thúc đẩy sản xuất xanh, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, trong 2 năm (từ tháng 6/2019-6/2021), Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP-GEF SGP) triển khai dự án Xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất đậu phộng thích ứng biến đổi khí hậu với quy mô 5ha của 33 hộ tại thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2.

Nông dân tham gia được hỗ trợ 100% giá trị phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm Trichoderma, được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng sản xuất này sẽ liên kết với HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước tạo thành chuỗi giá trị nông sản, nhằm cải thiện sinh kế cho các hộ nghèo dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Sở TN-MT, BVMT chỉ có thể được thực hiện khi cả cộng đồng cùng chung tay. Các hoạt động BVMT bền vững cần phát huy hiệu quả thực tế và được đầu tư theo hướng tạo sinh kế, an sinh xã hội... Có như vậy mới thu hút được nhân dân tham gia và chỉ khi người dân tự nguyện hưởng ứng thì BVMT mới chuyển từ phong trào sang đời sống, phát huy kết quả thực tế.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/269266/bai-hoc-nhan-rong-cac-hoat-dong-bao-ve-moi-truong.html