Bài học nhìn từ những dự án đội vốn, chậm tiến độ

Đã đến lúc cần phải chấm dứt, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có liên quan khi để các dự án đội vốn, chậm tiến độ gây lãng phí, thất thoát nguồn ngân sách.

Trên cả nước hiện có rất nhiều dự án đầu tư công đội vốn, chậm tiến độ, hiệu quả đầu tư kém, lãng phí nguồn lực, gây bức xúc lớn trong dư luận. Các dự án này được xác định đội vốn từ vài tỷ, vài trăm tỷ và lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, trước đây các cơ quan có liên quan còn chậm trễ trong việc giải quyết, xử lý dứt điểm các dự án trên, cũng như chưa xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, mới chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Có thể nhận thấy đặc điểm chung của các dự án đội vốn, chậm tiến độ đều có vấn đề từ khâu đấu thầu, tư vấn thiết kế, giám sát thi công, đốc thúc tiến độ cũng như tính minh bạch, trách nhiệm trong giám sát thực hiện dự án… Hệ quả dẫn đến là công trình bị chậm tiến độ, chất lượng thi công không bảo đảm, đội vốn đầu tư, gây thất thoát, lãng phí ngân sách. Ngoài ra, còn sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào các cơ quan quản lý nhà nước, thiệt hại khó có thể đong đếm bằng những con số.

Tuy nhiên, thời gian qua Bộ Công an, cũng như các Bộ, ngành có liên quan đã có nhiều “động thái mạnh tay”, quyết liệt; một hồi chuông cảnh tỉnh vang lên, đã đến lúc cần chấm dứt tình trạng nhiều dự án đội vốn khủng, chậm tiến độ nghiêm trọng.

Mới đây, ngày 31/10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can do để Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An) bị chậm tiến độ kéo dài, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Theo đó, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 - Ban 4 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được xây dựng trên địa bàn các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An và một phần ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa có sức chứa 225 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho hơn 18.800 ha đất nông nghiệp.

Dự án được phê duyệt từ năm 2009 nguồn vốn hơn 3.700 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng thêm 1.808 tỷ đồng lên tổng nguồn vốn 5.552 tỷ đồng. Nhưng công trình thi công đã kéo dài 15 năm mà chưa thể đi vào vận hành, gây hệ lụy lớn cho người dân địa phương cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực.

Ngoài Dự án hồ chứa nước Bản Mồng kể trên, trên cả nước còn vô số nhóm công trình giao thông, xây dựng dân dụng…, được liệt vào danh sách các công trình có vốn đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn, chưa thể xác định thời hạn hoàn thành.

 Công trình đầu mối hồ chứa nước Bản Mồng tại Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Công trình đầu mối hồ chứa nước Bản Mồng tại Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Thiết nghĩ, để khắc phục, chấm dứt tình trạng các dự án đội vốn, chậm tiến độ, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi quy trình của các đầu tư công ngay từ khâu lập dự án, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và giám sát trong thực hiện dự án; đặc biệt là giám sát tiến độ và chi phí của công trình.

Bên cạnh đó, cần phải có chế tài cụ thể, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong các dự án đầu tư công, tránh dự án đội vốn, chậm tiến độ. Đồng thời cần minh bạch quy trình đầu tư, kiểm tra định kỳ, xử lý công khai các hành vi vi phạm. Đây là một giải pháp sẽ giúp răn đe đối với những tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan khiến các dự án đầu tư công bị đội vốn, chậm tiến độ kéo dài.

Đối với các dự án đang chậm tiến độ, đội vốn, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, xác định những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của những vướng mắc; thẩm quyền giải quyết và đưa ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ của dự án.

Các chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước khi đã xác định rõ công việc cần làm thì khi triển khai phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, thống nhất, công khai minh bạch và khách quan. Trong quá trình thực hiện phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, đặt sự phát triển kinh tế - xã hội lên hàng đầu. Đặc biệt là phải hạn chế lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước, cùng với đó phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vào ngày 30/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xác định rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời cần rà soát xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn...

Cũng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), ý kiến một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào luật các quy định siết chặt quản lý, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án đầu tư công chậm tiến độ, nhằm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Với quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc siết chặt quản lý các dự án đầu tư công, những cá nhân, tập thể cố tình kéo dài tiến độ các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn đầu tư công để trục lợi sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Quốc Huy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-hoc-nhin-tu-nhung-du-an-doi-von-cham-tien-do-356606.html