Bài học về giá thịt heo trong vực dậy doanh nghiệp
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho rằng Chính phủ chỉ nên hỗ trợ doanh nghiệp tự đứng trên đôi chân của mình, không cần can thiệp quá nhiều, làm mất nhuệ khí kinh doanh.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải Trần Bá Dương, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ có thời điểm lời, lỗ, lúc thất bại, thành công.
Do đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ chỉ nên có giá trị giúp đỡ doanh nghiệp tự đứng trên đôi chân của mình, chứ không phải trông chờ, ỷ lại, mất đi nhuệ khí kinh doanh.
Cân đối lợi ích trước mắt và lâu dài
Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 9/5, ông Trần Bá Dương dẫn lại tình hình giá thịt heo vừa qua. Theo vị doanh nhân này, Chính phủ có lý khi yêu cầu doanh nghiệp giảm giá thịt heo. Tuy nhiên, trên thực tế, giá thịt heo tăng cũng có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bài bản, lâu dài.
Khi đó, thị trường không cần phụ thuộc nhiều vào các chuỗi cung ứng bên ngoài, còn Chính phủ cũng không cần can thiệp điều hành quá nhiều.
"Các biện pháp cần có sự cân nhắc hài hòa giữa việc giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng trước mắt và khuyến khích họ đổi mới, trên quan điểm tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới", ông Trần Bá Dương nêu quan điểm.
Trên quan điểm của các ngân hàng, Chủ tịch Vietinbank Lê Đức Thọ cũng đề nghị các doanh nghiệp xây dựng những dự án thật sự khả thi, cân đối nguồn lực đủ trả nợ, minh bạch tài chính, không trục lợi chính sách của ngân hàng; tận dụng cơ hội tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, cũng cần đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, chất lượng. Việc giảm phí, lãi suất là sự chia sẻ của ngân hàng và có giới hạn nhất định. Ngân hàng cũng cần sự chia sẻ từ doanh nghiệp”, ông Thọ nói.
Tại hội nghị với Thủ tướng sáng 9/5, ông cam kết đáp ứng tất cả nhu cầu vay vốn chính đáng của doanh nghiệp, người dân để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh hậu dịch Covid-19.
Để tận dụng nguồn lực hồi phục nền kinh tế, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, mong muốn có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp hơn. Cụ thể, Chính phủ có thể cho phép miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp hay cá nhân đầu tư vào những mô hình này.
Theo ông Đặng Hồng Anh, các chính sách khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng hay đầu tư vào bất động sản, chứng khoán... hay hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết cũng có thể góp phần cải thiện thị trường vốn, trực tiếp và gián tiếp giúp sức cho quá trình phục hồi và tái khởi động của doanh nghiệp.
Sớm mở cửa thị trường
Qua quá trình làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng khó khăn lớn nhất vào thời điểm này là thị trường tiêu thụ.
Do đó, ông đề nghị phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt.
Đặc biệt, trong ngành du lịch - vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng cần tập trung phát triển sớm thị trường trong nước để giữ được hệ thống phục vụ du lịch.
Ông đề xuất tạo các tam giác phát triển du lịch như Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh ở miền Bắc hay Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam ở miền Trung. Tại các khu vực này, cơ quan có thẩm quyền trước mắt có thể áp dụng giảm ngay 50% phí tham quan di tích, thắng cảnh.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần triển khai ngay chiến dịch truyền thông với thông điệp “Việt Nam - điểm đến an toàn”. Ông tin rằng nếu làm tốt, Việt Nam có thể thu hút du khách đến từ những thị trường đã cơ bản kiểm soát được dịch như ở khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan) ngay trong quý IV.
Song song đó, người đứng đầu doanh nghiệp du lịch lớn nhất cả nước nhấn mạnh du lịch chỉ phát triển được nếu hàng không phục hồi vì các chuyến bay chiếm 80% hoạt động vận tải trong du lịch.
Sau khi các đường bay trong nước được khai thác bình thường trở lại, doanh nhân này cho rằng có thể nghiên cứu đề xuất mở lại một số đường bay đến các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á một cách có chọn lọc, đảm bảo mục tiêu phòng chống dịch.
Đồng tình với quan điểm này, trong lĩnh vực công nghiệp, ông Trần Bá Dương đề xuất mở cửa sớm với các nước có nguy cơ dịch thấp, tiêu biểu như Lào và Campuchia. Trong đó, Nhà nước ưu tiên thúc đẩy cửa khẩu đường bộ sớm hơn để thuận tiện giao thương và sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhắc lại tiến trình hiện thực hóa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Ông đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt và ban hành các hướng dẫn liên quan, giúp doanh nghiệp sớm tận dụng ưu đãi để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-hoc-ve-gia-thit-heo-trong-vuc-day-doanh-nghiep-post1082671.html