'Bám biên' vì học sinh thân yêu
Mặc dù cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học còn thiếu thốn nhưng các thầy-cô giáo ở vùng biên giới huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) vẫn kiên trì bám lớp, tận tâm với học sinh.
Vượt khó bám trường
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, thầy Puih Môn được tuyển dụng, phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Ia O). Khi ấy, cơ sở vật chất, trang-thiết bị của trường còn thiếu thốn, đường sá đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên, thầy Môn vẫn kiên trì bám trụ ngôi trường vùng biên này. Thầy chia sẻ: “Mình là người Jrai. Mình muốn tiếp sức cho các em học sinh dân tộc thiểu số cố gắng theo đuổi con chữ để có một tương lai tươi sáng hơn”.
Ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai: Tại các trường học vùng biên, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, nhất là ở các điểm trường lẻ. Tuy nhiên, những thầy-cô giáo ở đây vẫn không ngại khó khăn, gắn bó với công tác giảng dạy, dạy chữ bằng cái tâm của mình.
Vì yêu thích nghề giáo viên từ nhỏ nên cô Ksor H’Ni đã theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Năm 2014, cô H’Ni trúng tuyển tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O).
Cô H’Ni kể: “Nhà mình ở xã Ia Broăi (huyện Ia Pa), cách trường hơn 150 km. Để đảm bảo thời gian giảng dạy, mình thuê trọ ở gần trường nên không tránh khỏi những lúc nhớ gia đình. Nhưng mình đã xem đây là nhà và cố gắng dạy dỗ học sinh”.
Trong 10 năm gắn bó với các em học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Tập (xã Ia Chía), cô Trịnh Thị Sen luôn được cấp trên, đồng nghiệp và học sinh quý mến bởi sự tâm huyết, trách nhiệm và lòng yêu nghề. Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm, từ trường vùng thuận lợi chuyển vào trường khó khăn, nhưng cô Sen không hề nản lòng. “Học trò vùng khó khăn dẫu tiếp thu chậm nhưng ngoan hiền. Có khó khăn đến mấy cũng phải vì các em mà nỗ lực”-cô Sen tâm sự.
Tất cả vì học sinh thân yêu
Trò chuyện cùng P.V, thầy Bùi Công Năm-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc dành nhiều lời khen cô giáo H’Ni. “Trong 6 năm giảng dạy thì có tới 5 năm cô H’Ni gắn bó với học sinh lớp 1. Học sinh đa phần là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu bài còn chậm, nói tiếng Việt chưa được tốt. Tuy vậy, cô H’Ni không hề nản lòng. Lớp cô dạy luôn đảm bảo duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần đạt 100%”-thầy Bùi Công Năm nói.
Năm học 2020-2021, cô H’Ni được phân công giảng dạy lớp 1 điểm trường làng Mít Jép với 25 học sinh. Để học sinh nắm vững kiến thức và thích thú với bài giảng, cô sưu tập những bức tranh sinh động để minh họa cho từng bài học. Ngoài cầm tay dạy viết, phụ đạo ngoài giờ, cô để học sinh khá hướng dẫn học sinh yếu. Buổi chiều, cô H’Ni thường xuyên đến nhà để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con đến lớp thường xuyên.
Năm học này, cô Sen được phân công giảng dạy tại điểm trường làng Pó, cách trường chính hơn 10 km. Cô thường trích tiền lương để mua dụng cụ học tập, mua đồng phục tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giảng dạy lớp ghép 4 và 5 với 13 học sinh nên cô thường kèm cặp từng em, hướng dẫn từng kiến thức để học sinh nhanh tiến bộ. Em Ksor Láo (lớp 5) cho biết: “Cô thường tặng sách vở, bánh kẹo và hướng dẫn chúng em trang trí lớp học vào giờ ra chơi. Vì thế em rất thích đi học”.
Là giáo viên dạy môn Âm nhạc, thầy Puih Môn tìm tòi những phương pháp dạy sinh động, linh hoạt trong từng bài giảng để học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức. Khắc phục tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, học sinh không được tiếp cận với nhiều nhạc cụ, thầy Môn đã tổ chức nhiều trò chơi để các em thêm hứng thú với môn học như: nghe giai điệu đoán tên bài hát, kể tên những con vật có trong bài hát…
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12403/202011/bam-bien-vi-hoc-sinh-than-yeu-5709755/