Ban CHQS huyện Tây Giang: Nâng bước các em nhỏ tới trường
Thực hiện Dự án 'Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường' của Bộ Quốc phòng, giai đoạn 1 (2021-2025), vừa qua, trước thềm năm học mới (2023-2024) Ban CHQS huyện Tây Giang (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam) nhận nuôi và hỗ trợ 19 em học sinh là người dân tộc thiểu số.
Đây là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sinh sống trên địa bàn 8 xã biên giới (Gari, Ch’ơm, Axan, Tr’hy, Lăng, Atiêng, Anông, Bhalêê). Nơi miền biên viễn, những việc làm, nghĩa cử nhân văn, trách nhiệm của những người lính Cụ Hồ luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Nhìn con trai Zơrâm Hồ Tây (sinh năm 2014) xúng xính áo quần, tíu tít đùa vui cùng chúng bạn trong khuôn viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Atiêng sau buổi lễ khai giảng năm học mới, chị Zơrâm Thị Bi ở thôn Tavang, xã Atiêng nhiều lần lặng lẽ quay mặt đi, lau những giọt nước mắt trên gương mặt sạm nắng.
Chồng mất sớm, chị một mình bươn chải, chạy vạy làm thuê, làm mướn để nuôi con. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cái ăn, cái mặc chẳng đủ đầy nên so với bạn bè cùng trang lứa, Zơrâm Hồ Tây khá nhỏ con. Trở thành con nuôi của Ban CHQS huyện Tây Giang, em được chu toàn mọi thứ: Sách vở, quần áo, xe đạp, nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập và cả tiền ăn hàng tháng. Đây sẽ là động lực để em tiếp tục vui bước đến trường cùng chúng bạn, mơ về một tương lai tươi sáng.
“Từ ngày chồng mất, tôi phải làm đủ mọi nghề để có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con ăn học. Thời gian gần đây, do bị đau lưng nên tôi không thể làm việc nặng, thu nhập ít dần đi. Chưa biết phải làm sao, để con tiếp tục đến lớp, được học cái chữ… Giờ đây, con được các cô, các chú bộ đội nhận nuôi, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học hành, tôi rất yên tâm. Thật mừng cho nó! Cảm ơn bộ đội rất nhiều”, chị Zơrâm Thị Bi xúc động bày tỏ.
Còn với em A Lăng Thị Hải Yến (sinh năm 2012) ở thôn Adzốc, xã Bhalêê, sinh ra trong gia đình có đến 11 anh, chị em, nên sau mỗi giờ tan học, em phụ giúp công việc nhà, lo cho các em nhỏ, để các anh, chị lớn hơn theo ba, mẹ lên rẫy cuốc cỏ, nhổ mì, trồng keo thuê để có thêm thu nhập. Sáng dạ, lại chăm học, kết quả 5 năm học tiểu học, em luôn đạt thành tích là học sinh xuất sắc, được thầy cô giáo thương yêu, bạn bè mến phục.
Chia sẻ hoàn cảnh khó khăn, quý trọng tinh thần vượt khó, ham học của em, cán bộ, chiến sĩ huyện Tây Giang đã mua sắm đầy đủ vật chất, xe đạp, dụng cụ học tập và trao tặng kinh phí hỗ trợ tiền ăn bán trú hàng tháng. Ngày khai giảng năm học mới, em dậy từ rất sớm, sửa soạn áo quần, chuẩn bị cặp sách rồi đạp xe qua nhà bên chở bạn cùng lớp đến trường dự lễ đón chào học sinh lớp 6. Nhìn ngôi trường lớn, khang trang, A Lăng Thị Hải Yến hớn hở nói: “Năm nay, em vào lớp 6, Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc xã Bhalêê, được các cô, chú bộ đội hỗ trợ kinh phí để mua sắm áo quần, xe đạp và tiền ăn bán trú, em vui lắm. Em xin hứa sẽ cố gắng học thật tốt, trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”.
Nơi biên giới xa xôi, năm học mới này, có hàng chục em nhỏ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được Ban CHQS huyện Tây Giang nhận nuôi và hỗ trợ, ngoài những chế độ, chính sách được nhận, các em sẽ được các cô chú bộ đội thường xuyên đến thăm, tặng quà khích lệ động viên; chỉ bảo, hướng dẫn để đạt được thành tích tốt nhất trong học tập.
Thượng tá Lê Huy Đông, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tây Giang cho biết: “Thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, giai đoạn 1 (2021-2025), năm 2023, đơn vị đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và ban giám hiệu các trường trên địa bàn tiến hành rà soát, xét duyệt nhận nuôi, hỗ trợ 19 em học sinh người dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Ban CHQS huyện đã gặp gỡ, thống nhất với gia đình và các em định mức, hình thức hỗ trợ; ký bản cam kết phấn đấu học tập, rèn luyện của các em trong quá trình được nhận hỗ trợ”.
Đồng chí Zơrâm Buôn - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Giang khẳng định: “Dự án Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường trên địa bàn biên giới, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã đem lại niềm hạnh phúc, hy vọng cho các em và gia đình đặc biệt khó khăn trong hành trình đi tìm con chữ ở những vùng rẻo cao; phấn đấu vươn lên trong học tập, trở thành những người có ích cho xã hội sau này”.
Bài và ảnh: LÊ TÂY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.