Bán đấu giá nhà tái định cư không sử dụng: Cần khai thông những 'điểm nghẽn'

Việc tổ chức thí điểm các phương án phù hợp với những căn hộ tái định cư bị bỏ hoang suốt thời gian dài, trong đó có phương án đấu giá, được các chuyên gia đánh giá là giải pháp hay. Tuy nhiên, thực tế đưa vào áp dụng đòi hỏi phải khai thông nhiều 'điểm nghẽn'.

Dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Hàng nghìn căn hộ trên "đất vàng" bị bỏ hoang

Trong khi nhu cầu về nhà ở tăng cao thì tại Hà Nội, có hàng nghìn căn hộ tái định cư đã được xây dựng nhiều năm nhưng chưa có người đến ở. Đáng chú ý, những căn hộ này phần lớn nằm ở những vị trí đắc địa.

Quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng lớn nhà tái định cư chưa được đưa vào sử dụng. Có thể kể đến 3 tòa chung cư thuộc Dự án tái định cư Đền Lừ III. Dù nằm ở vị trí "đất vàng", sát mặt đường lớn Tân Mai, đối diện hồ Đền Lừ và có không gian thoáng đãng, thuận tiện giao thông nhưng các căn hộ ở đây đều không có người ở.

Được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2017 nhưng vì không có người ở nên các hạng mục thuộc dự án này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Quanh khu vực tòa nhà cỏ dại mọc um tùm, nhiều góc còn là bãi tập kết rác, tập kết hàng hóa của người dân sinh sống gần đó.

Tại quận Long Biên, 3 tòa nhà tái định cư 6 tầng N3-N4-N5 với 150 căn hộ thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng dù đã hoàn thành thi công nhưng vẫn đang bị bỏ hoang.

Trên địa bàn quận Cầu Giấy, Dự án nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu) nhiều năm qua cũng trong tình trạng xuống cấp. Nhiều hạng mục chưa được hoàn thiện, xung quanh vẫn được quây tôn kín mít.

Dự án nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội)

Để sớm đưa các dự án nhà tái định cư vào hoạt động

Thống kê của Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 9 dự án tái định cư với quy mô gần 2.500 căn. Trong đó, có 2 dự án đã hoàn thành nhưng chưa được đưa vào vận hành, sử dụng và 7 dự án đang triển khai dang dở.

Toàn bộ quỹ nhà tại các dự án này đã được thành phố bố trí tái định cư phục vụ cho các dự án cần giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố, nhất là các dự án trọng điểm.

Lý giải thực trạng này, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội cho biết, một số dự án tái định cư chưa được nghiệm thu, đưa vào sử dụng do tồn tại, vướng mắc. Nguyên nhân là việc các căn hộ đã được bố trí cho các dự án có giải phóng mặt bằng để công khai lập phương án và phê duyệt phương án.

Tuy nhiên, do tiến độ các dự án có giải phóng mặt bằng bị chậm hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện, điều tra, khảo sát, các chủ đầu tư có dự án giải phóng mặt bằng chưa trình thành phố ban hành quyết định bán nhà.

Các dự án được thiết kế thi công theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn trước đây, nay do thay đổi quy định về phòng cháy, chữa cháy nên chưa đủ điều kiện để nghiệm thu.

Ngoài ra, một số dự án trước đó có quyết định cho làm cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19, chủ đầu tư đã hoàn thành các hạng mục công trình để phục vụ công tác phòng, chống dịch và bàn giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Tòa nhà tái định cư N3-N4-N5 (quận Long Biên, Hà Nội)

Đến nay, các dự án này chưa được bàn giao lại cho chủ đầu tư để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại, nghiệm thu đủ điều kiện đưa vào sử dụng để bố trí cho các hộ dân tái định cư theo quy định.

Để sớm đưa các dự án nhà tái định cư vào hoạt động, khai thác hiệu quả, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội cho biết, đã báo cáo, đề xuất UBND thành phố một số giải pháp. Trong đó, đối với quỹ nhà tái định cư, nếu sau khi đã bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn căn hộ không sử dụng hoặc sử dụng không hết, thì đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn.

PGS.TS Định Trọng Thịnh (nguyên Trưởng khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính) cho rằng, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, cùng Luật Nhà ở 2023 và các văn bản hướng dẫn ban hành đã tạo hành lang pháp lý để các địa phương rà soát và tổ chức thí điểm các phương án phù hợp với những căn hộ tái định cư bị bỏ hoang suốt thời gian dài, trong đó có phương án đấu giá.

Theo ông Thịnh, việc đấu giá các dự án nhà tái định cư là phương án đáng hoan nghênh khi đem lại nguồn thu tốt cho ngân sách. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, Hà Nội cần xem xét kỹ phương án tổ chức khi mà hầu hết các dự án nhà tái định cư đều có vướng mắc riêng. Trong đó, vấn đề mấu chốt theo ông Thịnh là chất lượng dự án.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư Phạm Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, việc bán đấu giá nhà ở tái định cư không sử dụng là giải pháp hay nhưng để thực thi được thì còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Vị luật sư này phân tích, về trình tự, thủ tục, đã có khung pháp lý liên quan đến việc chuyển các loại hình nhà ở phục vụ tái định cư thuộc tài sản công để bán đấu giá công khai, quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều 124 Luật Nhà ở 2023 và Điều 57 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở.

Tuy nhiên, đây là thủ tục không đơn giản. Luật quy định, quỹ nhà tái định cư phải không đủ điều kiện chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội thì chủ đầu tư mới trình dự án đến UBND cấp tỉnh nơi có dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép bán đấu giá nhà ở này theo quy định tại Khoản 3 Điều 57 Nghị định 95/2024/NĐ-CP.

Trong khi đó, việc xác định thế nào là quỹ nhà tái định cư không đủ điều kiện chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng. Mặt khác, quy trình thủ tục pháp lý để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép bán đấu giá nhà ở có thể trải qua nhiều thủ tục thẩm định, rà soát từ các bộ, ngành.

Vì nhà tái định cư là tài sản công nên theo ông Tuấn, khi tổ chức bán đấu giá, cần xác định giá trị tài sản công để làm cơ sở xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.

"Hiện nay, việc xác định giá trị tài sản công, đặc biệt với quỹ nhà ở tái định cư khi bán công khai cho tất cả người dân chưa có hướng dẫn chi tiết. Bản thân các tổ chức thẩm định giá cũng có tâm lý e ngại khi thực hiện các thủ tục này vì liên quan đến vấn đề hậu kiểm, dẫn đến thất thoát tài sản công", ông Tuấn nói.

Theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tính chung năm 2023, nguồn cung mới tại Thủ đô Hà Nội đạt xấp xỉ 11.000 sản phẩm. Con số này chỉ bằng 66% so với năm 2022 và xu hướng giảm tiếp tục duy trì trong năm 2024. Theo VARS, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ thiếu hụt khoảng 50.000 căn hộ.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ban-dau-gia-nha-tai-dinh-cu-khong-su-dung-can-khai-thong-nhung-diem-nghen-20241008162809046.htm