Bán đấu giá trăm triệu đồng/quả, nông dân Chi Lăng thu tiền tỷ nhờ trồng na

Ước tính giá trị kinh tế khi trồng na của huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đạt hơn 700 tỷ đồng/năm. Nhờ trồng na gắn với liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã (HTX), nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu, sản phẩm na đạt chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu.

Một thông tin đáng chú ý là vừa qua, tại chợ nông sản Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã đấu giá thành công nhiều trái na "tuyển" trồng trên địa bàn với tổng số tiền hơn 780 triệu đồng.

Đấu giá hàng trăm triệu đồng/quả na

Trong đó, huyện Chi Lăng bán hai trái na dai Chi Lăng lần lượt 200 triệu và 220 triệu đồng/trái. Đây là mức đấu giá cao nhất từ trước đến nay đối với na Lạng Sơn. Ban tổ chức cũng đã đấu giá thành công một trái na bở trị giá 100 triệu đồng.

Được biết, na bở là giống na lâu đời, vỏ dày, cùi dày, ít hạt, vị ngọt thanh mát. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đấu giá thành công hai trái na Thái trị giá 50 triệu đồng/trái, một trái na Thái khác được đấu giá 80 triệu đồng.

Toàn bộ số tiền thu được sau khi đấu giá bán na Lạng Sơn trên 880 triệu đồng. Trong đó, có một doanh nghiệp hỗ trợ thêm 100 triệu đồng cho bà con nông dân.

HTX thanh niên Chi Lăng giúp kết nối thị trường cho sản phẩm na Chi Lăng.

HTX thanh niên Chi Lăng giúp kết nối thị trường cho sản phẩm na Chi Lăng.

Chị Đinh Thị Anh Thư, Bí thư Tỉnh Đoàn Lạng Sơn cho biết, na được đấu giá là những trái na chọn lọc, chất lượng cao, trồng tại địa phương thuộc chương trình quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng năm 2023. Những trái na có giá cao, được chính bà con trồng được đấu giá nhằm gây quỹ xây dựng các cây cầu dân sinh và nhà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Chi Lăng.

Theo thông tin từ UBND huyện Chi Lăng, đến tháng 8/2023, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã phát triển hình thành vùng trồng na, với tổng diện tích hơn 2.500ha, sản lượng đạt hơn 22.000 tấn quả, giá trị kinh tế ước đạt hơn 700 tỷ đồng/năm. Nhờ phát triển cây na, nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm; nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu.

Dấu ấn của HTX thanh niên Chi Lăng

Những năm trước, sản phẩm na chủ yếu được tiêu thụ trong thị trường nội địa, một số ít được xuất khẩu tiểu ngạch (dạng trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới) sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ khát vọng, nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhiều thanh niên ở huyện miền núi Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn bàn bạc, triển khai thành lập HTX thanh niên Chi Lăng nhằm đưa các mặt hàng nông sản địa phương trở thành sản phẩm hàng hóa tới các vùng miền, vừa khởi nghiệp làm giàu, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

HTX thanh niên Chi Lăng được thành lập với vài chục thành viên là người trẻ trên địa bàn. Khi vụ na đến, các thành viên HTX đến các hộ trồng na, cùng chăm sóc, thu hoạch, đóng gói với sản phẩm na (bao gồm cả na dai và na bở) sạch, đảm bảo về chất lượng và tem nhãn mác, vỏ thùng đầy đủ.

“Từ đầu vụ đến nay, thông qua các kênh của Đoàn thanh niên địa phương, qua Zalo, Facebook cá nhân của cán bộ, đoàn viên Chi Lăng, đã có hàng chục đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh. Anh em phấn khởi cùng đưa sản vật riêng có của địa phương đến với các tỉnh trong nước và các nước”, chị Nguyễn Ngọc Ngà, Bí thư Huyện đoàn Chi Lăng cho biết.

Trước đây, bà con trên địa bàn thường tự sản xuất, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ, điều này dẫn đến tình trạng đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh. Do đó, HTX thanh niên Chi Lăng ra đời đã chủ động đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định, phù hợp với giá cả thị trường và cây na trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế của huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững.

Cùng với đó, trên địa bàn huyện Chi Lăng cũng thành lập thêm các HTX đóng vai trò quan trọng trọng việc phát triển thương hiệu na Chi Lăng. Điển hình như HTX Thương mại và Dịch vụ Quang Huy, tại thôn Đồng Hóa – Minh Khai, xã Chi Lăng chủ yếu liên kết với các hộ trồng na VietGAP, GlobalGAP… Ông Hồ Văn Học, Giám đốc HTX cho biết: HTX hiện nay có 7 thành viên, được thành lập từ đầu năm 2021… Tính từ khi thành lập đến nay, mỗi năm HTX tiêu thụ được gần 100 tấn na và vải thiều tới thị trường các tỉnh, thành trên cả nước.

Tính cách nâng cao giá trị cho trái na

Na Chi Lăng đang vào vụ thu hoạch nên không khí tại các chợ đầu mối buôn bán loại quả này luôn tấp nập. Giá na hiện được các thương lái thu mua từ 35.000 – 50.000 đồng/kg, loại quả đẹp có thể lên tới 55.000 - 60.000 đồng/kg, cao hơn vụ na năm ngoái khoảng 20%. Na được mùa, được giá không chỉ giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp họ làm giàu.

Đến tháng 8/2023, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã phát triển hình thành vùng trồng na, với tổng diện tích hơn 2.500ha, sản lượng đạt hơn 22.000 tấn quả, giá trị kinh tế ước đạt hơn 700 tỷ đồng/năm.

Đến tháng 8/2023, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã phát triển hình thành vùng trồng na, với tổng diện tích hơn 2.500ha, sản lượng đạt hơn 22.000 tấn quả, giá trị kinh tế ước đạt hơn 700 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, cây na tại Chi Lăng được đồng bào dân tộc Tày, Nùng trồng trên những sườn núi đá vôi cao gần 800m hay trong thung lũng. Na Chi Lăng có những đặc trưng riêng biệt như mẫu mã đẹp, mắt to, vị ngọt thanh mát, cùi dày, ít hạt, có hàm lượng và giá trị dinh dưỡng cao... Nhưng có lẽ ít ai biết rằng na Chi Lăng ngọt và thơm hơn những vùng khác của tỉnh Lạng Sơn không chỉ bởi được trồng trong điều kiện khí hậu và địa hình đặc thù, mà còn là nỗ lực vượt khó của người Tày, người Nùng sinh sống bao đời nay trên vùng núi đá vôi.

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Ngoài những thành công đã đạt được đối với thị trường trong nước, na Chi Lăng đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

“Quả na Chi Lăng đến nay vẫn chưa được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc. Để xuất khẩu 1 sản phẩm nông nghiệp chính thức hiện phải đàm phán mất nhiều thời gian. Chúng tôi đang rất mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng tiếp tục đàm phán để có thể xuất khẩu", ông Nghĩa nói.

Với thương hiệu riêng đã được gây dựng trong suốt nhiều năm qua, tỉnh Lạng Sơn đang tích cực tuyên truyền, phổ biến cho bà con nông dân tăng cường đẩy mạnh liên kết theo mô hình HTX, áp dụng khoa học kỹ thuật; xây dựng quy trình chăm sóc cây na nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế với mục tiêu vươn ra “biển lớn”, thúc đẩy xuất khẩu na Chi Lăng theo đường chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khó tính khác trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, cho biết nhằm tiếp tục duy trì, giữ vững nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm na Chi Lăng và mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn vùng trồng na tổ chức sản xuất đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, trong những năm tới, huyện sẽ mở rộng thêm diện tích sản xuất na đối với những vùng đất có tiềm năng, thế mạnh phát triển như: xã Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, Thượng Cường, Bằng Mạc... Bởi đây là những vùng đất thuộc vùng núi đá vôi, thích hợp cho cây na sinh trưởng tốt.

Huyện cũng đang hướng tới 100% diện tích na trên địa bàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2016 đến nay, quá trình thực hiện sản xuất đều được UBND huyện Chi Lăng phối hợp với các đơn vị, tổ chức có chức năng cử chuyên gia đến tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng trọt đầy đủ cho người nông dân. Đó là các kỹ thuật chọn giống sạch sâu bệnh, đất trồng, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP đều giúp cho người tiêu dùng và thị trường được hiểu rõ về sản phẩm hơn nhờ có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn sản phẩm phù hợp để yên tâm sử dụng.

Bên cạnh đó, na là loại quả nhanh chín, khó bảo quản. Trước đây, chưa có nghiên cứu rải vụ, người dân chỉ tập trung sản xuất chủ yếu trong vòng 1 - 1,5 tháng, sản lượng na chín tập trung tạo áp lực lớn cho khâu đầu ra. Tuy nhiên, từ khi có biện pháp trồng na rải vụ, quá trình thu hoạch được kéo dài từ 1,5 tháng lên 4 tháng. Thu hoạch rải vụ giúp nâng cao giá trị cho na, không bị áp lực chín trong vòng thời gian ngắn. Đặc biệt, những diện tích na có đầy đủ điều kiện có thể sản xuất 2 - 3 vụ trong một năm, cho thu nhập cao gấp đôi so với bình thường.

Tâm An

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/ban-dau-gia-tram-trieu-dong-qua-nong-dan-chi-lang-thu-tien-ty-nho-trong-na-1094915.html