Ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết định ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product - OCOP, gọi tắt là Chương trình OCOP), gọi chung là Bộ Tiêu chí OCOP.
Bộ Tiêu chí OCOP là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng thời kỳ.
Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm 6 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Bộ Tiêu chí của sản phẩm gồm 3 phần:
- Phần A: Các tiêu chính đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.
- Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm.
- Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.
Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng. Cụ thể, hạng 5 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 90-100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu; hạng 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70-89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao; hạng 3 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 50-69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao; hạng 2 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 30-49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao; hạng 1 sao có tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.
Về quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương; Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn và triển khai Quyết định này.
Đối với các địa phương đã ban hành Bộ tiêu chí OCOP và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, kết quả đánh giá, phân hạng được bảo lưu đến hết ngày 31/12/2019.