Băn khoăn việc đầu tư nhiều trạm trung chuyển rác thải

Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025 do UBND tỉnh mới ban hành có tổng cộng 66 trạm trung chuyển (TTC) rác sẽ được đầu tư mới, nâng cấp. Việc đầu tư TTC là cần thiết để phục vụ công tác vận chuyển, lưu trữ tạm rác thải trong trường hợp nhà máy xử lý gặp sự cố.

Điểm trung chuyển rác không cố định tạm thời tại H.Long Thành. Ảnh: B.Mai

Điểm trung chuyển rác không cố định tạm thời tại H.Long Thành. Ảnh: B.Mai

Song xây dựng quá nhiều TTC sẽ gây tốn kinh phí, quỹ đất và nếu không quản lý tốt có thể sẽ là “điểm đen” môi trường.

* Mỗi xã một TTC rác

Đồng Nai hiện phát sinh hơn 2 ngàn tấn rác sinh hoạt/ngày. Trong đó, hơn 1,8 ngàn tấn/ngày được thu gom về các TTC cố định hoặc không cố định trước khi đưa lên xe chuyên dụng chở về nhà máy xử lý. Hiện cả tỉnh có 54 TTC rác (45 cố định và 9 không cố định) nhưng đa phần chưa đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng của Bộ Xây dựng (QCVN 01:2021/BXD), chưa đảm bảo việc lưu giữ các nhóm rác thải sau phân loại. Điều này vô hình trung tạo ra nhiều điểm ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, mất mỹ quan.

Trong Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các huyện, thành phố đã đề xuất đầu tư tổng cộng 66 TTC rác (40 cố định và 26 không cố định). Các vị trí này đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đồng thời đề xuất lộ trình đầu tư từ nay đến năm 2025.

H.Vĩnh Cửu là địa phương có nhiều TTC cố định nhất. Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó trưởng phòng TN-MT cho biết, huyện sẽ đầu tư mỗi xã, thị trấn một TTC cố định, không có các TTC không cố định. Sở Xây dựng có yêu cầu gom bớt lại nhưng huyện bảo lưu đề xuất ban đầu vì các vị trí này đã được cập nhật quy hoạch sử dụng đất, tính toán nguồn vốn hơn 20 tỷ đồng và có lộ trình đầu tư. “Vì địa bàn rộng, dân thưa nên huyện phải làm nhiều TTC. Năm 2023, huyện đã đầu tư 5/6 TTC theo kế hoạch, các trạm còn lại sẽ được đầu tư từ nay đến năm 2025” - ông Vũ chia sẻ.

H.Định Quán đề xuất 11 TTC cố định. Đại diện Phòng TN-MT huyện cho biết, ban đầu địa phương đề xuất mỗi xã, thị trấn một TTC rác, tổng cộng là 14 trạm. Sau đó, huyện đã thống nhất gom lại còn 11 trạm cố định. Cũng như H.Vĩnh Cửu, các trạm này đã phù hợp quy hoạch sử dụng đất, nguồn vốn đầu tư huyện đã đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Việc xây dựng các TTC rác là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu môi trường, có chỗ lưu trữ tạm rác thải nếu không may nhà máy xử lý rác gặp sự cố. Tuy nhiên, ngoài quỹ đất và nguồn vốn, đầu tư phải theo quy định xây dựng, môi trường. Trong đó diện tích tối thiểu từ 500 đến 5 ngàn m2/trạm, phải đảm bảo khoảng cách với nhà dân, có dải phân cách cây xanh, đồng thuận trong cộng đồng dân cư…

* Đảm bảo tính khả thi, hiệu quả

Chuẩn hóa TTC rác là việc không thể trì hoãn để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Song vì TTC được thực hiện bằng nguồn vốn cấp huyện, quỹ đất công nên cần tính toán đầu tư như thế nào cho hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, hộ dân xung quanh.

Theo Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025, tổng kinh phí chuẩn hóa các TTC rác gần 255 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng các TTC cố định là 246,5 tỷ đồng và TTC không cố định là 8,4 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng đô thị, Sở Xây dựng cho rằng, điểm chưa hợp lý là địa phương ít rác hơn, có nhà máy xử lý trên địa bàn lại đề xuất đầu tư nhiều trạm. Còn địa phương nhiều rác, phải chở đi xa để xử lý lại đề xuất đầu tư ít trạm. Chẳng hạn, TP.Biên Hòa phát sinh gần 800 tấn/ngày, chiếm khoảng 40% toàn tỉnh chỉ đề xuất 1 trạm cố định và 7 trạm không cố định; TP.Long Khánh gần 140 tấn rác/ngày chỉ đề xuất 1 trạm cố định, không có trạm không cố định. Các huyện Tân Phú, Xuân Lộc cũng diện tích rộng nhưng đề xuất đầu tư có giới hạn. Trong khi đó H.Vĩnh Cửu, H.Định Quán chỉ phát sinh trên dưới 100 tấn/ngày, có nhà máy xử lý trên địa bàn lại quy hoạch nhiều trạm cố định.

Cũng theo bà An, việc đầu tư xây dựng TTC dễ nhưng sau này khi lên đô thị rất khó bỏ. Thêm nữa từ nay đến năm 2025 chỉ còn 2 năm mà đầu tư hàng chục TTC đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và tiêu chí môi trường là rất khó.

Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho rằng, trước đây huyện bỏ hết TTC cố định. Thuận lợi là không phát sinh nhiều điểm tiếp rác công cộng, nhưng thiệt thòi là đơn vị thu gom rác không được đấu thầu để hưởng gói xúc vận chuyển. Ông Linh kiến nghị, nếu không đầu tư trạm có thể điều chỉnh tăng thêm phí vận chuyển theo quãng đường.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, để đầu tư TTC rác cần quỹ đất công và nguồn kinh phí, nhưng nếu không quản lý tốt đây sẽ là điểm ô nhiễm môi trường do nước rỉ rác, xác động vật chết, hộ dân không đóng phí thu gom nhưng vẫn mang rác đến bỏ. Vì thế, các địa phương đã đề xuất đầu tư xây dựng cần tính toán bố trí mạng lưới TTC cho phù hợp và phải chịu trách nhiệm đầu tư theo lộ trình, tính hiệu quả công trình. Các huyện có nhà máy xử lý trên địa bàn không cần nhiều TTC cố định mà chỉ cần điểm tập kết chuyển rác từ xe nhỏ sang xe lớn hoặc chở rác trực tiếp về nhà máy xử lý. Như vậy sẽ đỡ tốn thêm công đoạn, đỡ phát sinh ô nhiễm môi trường từ nước rỉ rác, mùi hôi. Kinh phí đầu tư trạm có thể chuyển sang hỗ trợ chuẩn hóa xe thu gom, vận chuyển rác.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/ban-khoan-viec-dau-tu-nhieu-tram-trung-chuyen-rac-thai-fa93af3/