Bản làng người Mông đổi mới

Nhờ triển khai hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Nhà nước, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, giảm nghèo, nông thôn mới (gọi tắt Chương trình MTQG), đến nay, đời sống đồng bào dân tộc Mông tại xã Yên Lâm (Hàm Yên) đã 'thay da đổi thịt'.

Đẩy lùi hủ tục lạc hậu

Thôn Quảng Tân có 150 hộ, với trên 500 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông. Trưởng thôn Lý Đức Sơn chia sẻ, khoảng 5 năm trước, khó khăn nhất của thôn là đường giao thông. Con đường vào bản nhỏ, hẹp, dốc hiểm trở nên cản trở sự phát triển của bà con, vì vậy cuộc sống của bà con rất bấp bênh, chủ yếu là nay đây mai đó, sống dựa vào đồi núi.

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và tỉnh, Quảng Tân hôm nay đã thay đổi diện mạo mới, có đường giao thông, điện thắp sáng, trường học. Đặc biệt, năm 2023, từ nguồn vốn đầu tư Chương trình MTQG, UBND xã đã triển khai đầu tư nâng cấp tuyến đường từ thôn Thài Khao đi xóm Gốc Chanh, tuyến đường khu dân cư thôn Quảng Tân 2, thôn Quảng Tân. Hiện con đường giao thông nội bản đã thông suốt từ thôn lên tới trung tâm xã, người dân đi làm ăn lại thuận tiện hơn. “Tuy nhiên, trong đồng bào Mông vẫn còn tảo hôn; trẻ em bỏ học sớm; ma chay thờ cúng dài ngày gây tốn kém, người mất cũng không đưa vào quan tài gây ảnh hưởng đến môi trường...”, ông Sơn cho hay.

Cán bộ xã Yên Lâm (Hàm Yên) tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no.

Cán bộ xã Yên Lâm (Hàm Yên) tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no.

Trước thực tế này, bằng nhiều cách làm những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, xã, thôn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền theo cách “mưa dầm thấm lâu” và cán bộ, đảng viên người Mông làm gương thực hiện trước.

Đồng chí Vũ Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết: Tuy Quảng Tân đã có nhiều đổi thay đáng mừng, song vẫn còn đó những khó khăn. Cả thôn vẫn còn trên 74/150 hộ nghèo. Tỷ lệ người Mông chưa biết tiếng phổ thông vẫn còn, nên việc tiếp nhận các thông tin, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn hạn chế. Vì vậy, xã đã tăng cường cán bộ công chức vào sinh hoạt với Chi bộ thôn Quảng Tân; chú trọng phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội của xã trong công tác tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới, tham gia tích cực phong trào thi đua, xóa đói giảm nghèo cho bà con Nhân dân.

Xây dựng bản làng ấm no

Ở thôn Ngòi Sen có 152 hộ, trong đó 78 hộ đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống của người Mông giờ đây cũng đã ổn định hơn trước nhờ việc thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Gia đình anh Lý Văn Vàng, dân tộc Mông, thôn Ngòi Sen được nhà nước hỗ trợ 2 con bò giống từ thực hiện Chương trình MTQG. Anh Vàng cho biết, với phương pháp chăn nuôi khép kín, đến nay, đàn bò của gia đình đã nhân lên 5 - 7 con. Cuối năm nay, anh sẽ xuất bán 3 con bò giống, ước thu lãi hơn 20 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thùy Linh, Trưởng thôn Ngòi Sen chia sẻ, mặc dù ở Ngòi Sen vẫn còn nhiều hộ nghèo, nhưng từ khi làm theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, bà con Ngòi Sen đã biết đầu tư chăn nuôi trâu, bò, trồng rừng, cam, lúa. Cuộc sống của người Mông trong thôn Ngòi Sen đang thực sự thay da đổi thịt. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 35 triệu đồng/người/năm.

Đồng bào Mông Yên Lâm phát triển mô hình trồng cam.

Đồng bào Mông Yên Lâm phát triển mô hình trồng cam.

Xã Yên Lâm có 1.240 hộ, với 5.373 nhân khẩu. Là xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống được thụ hưởng nhiều chương trình, đề án, dự án của Trung ương, tỉnh, huyện nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đồng chí Vũ Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lâm chia sẻ, từ những chủ trương, chính sách từ Chương trình MTQG, từ năm 2022 đến nay, xã Yên Lâm đã hỗ trợ 52 hộ người Mông xây dựng nhà ở, 367 hộ được hỗ trợ téc nước, hoàn thành hỗ trợ xây dựng 13 giếng khoan cho các hộ người Mông, 23 hộ người Mông được hỗ trợ 51 con bò sinh sản, 24 hộ người Mông được hỗ trợ trồng rừng giống chất lượng cao. Bên cạnh đó, xã cũng triển khai chính sách trợ cấp hàng tháng đối với 105 hộ người Mông, hỗ trợ tiền điện cho 339 lượt hộ Mông.

Ngoài ra, trên địa bàn xã đã triển khai đầu tư nâng cấp tuyến đường từ thôn Thài Khao đi xóm Gốc Chanh, tuyến đường khu dân cư thôn Quảng Tân 2, thôn Quảng Tân; nâng cấp sân vận động thôn Ngòi Sen; xây dựng mới nhà lớp học, bếp ăn điểm trường Mầm non tại thôn Quảng Tân…

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Mông năm 2023 của xã Yên Lâm còn 119 hộ, chiếm 37% số hộ nghèo toàn xã, năm 2024 xã Yên Lâm phấn đấu giảm 53 hộ nghèo. Để nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc Mông, bên cạnh việc triển khai các Chương trình MTQG và các chương trình, kế hoạch, dự án khác, xã Yên Lâm đang tích cực triển khai Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025.

Đề án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các thôn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống; tạo sinh kế, giải quyết những khó khăn về sản xuất và đời sống, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc Mông với các vùng khác trên địa bàn. Từ đó, giúp nhiều gia đình đồng bào Mông vươn lên phát triển kinh tế, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: Lý Thu

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/ban-lang-nguoi-mong-doi-moi-199852.html