Bản Mảy tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Bản Mảy, xã Chiềng Pấc (Thuận Châu) hiện có hơn 250 hộ dân, với trên 1.200 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, những năm qua, bà con trong bản đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Người dân ở bản Mảy, xã Chiềng Pấc nuôi ong rừng.

Người dân ở bản Mảy, xã Chiềng Pấc nuôi ong rừng.

Anh Lò Văn Sáng, Trưởng bản cho biết: Bản Mảy có hơn 130 ha đất sản xuất nông nghiệp, những năm trước đây, bà con chủ yếu trồng cây ngô, cây sắn trên đất dốc, bạc màu, năng suất thấp, nên cuộc sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Ban quản lý bản cùng các tổ chức hội, đoàn thể đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của bản; đưa các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, như cà phê, mận, xoài vào sản xuất; phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đồng thời, phối hợp cùng cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn bà con trồng chăm sóc cà phê, các loại cây ăn quả, phòng trừ sâu bệnh; khuyến khích bà con tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất. Hiện nay, bà con duy trì thâm canh 23 ha lúa nước; hơn 80 ha cây cà phê được trồng xen cây mận hậu. Đặc biệt, năm 2017, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con trong bản được hỗ trợ trồng hơn 20 ha cây xoài Đài Loan, xoài Úc, dự kiến năm nay sẽ cho thu hoạch. Ngoài ra, người dân trong bản còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gần 600 con gia súc, hàng nghìn con gia cầm các loại và hơn 4 ha ao cá.

Là một trong những hộ điển hình trong phát triển kinh tế của bản, ông Lò Văn Thưởng chia sẻ: Được cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăn sản xuất, gia đình tôi đã phát triển mô hình nuôi ong, trồng cây cà phê đem lại thu nhập ổn định. Hiện, gia đình tôi nuôi hơn 40 tổ ong rừng tự nhiên, mỗi năm bán hơn 3,6 tạ mật, thu lãi trên 40 triệu đồng; trồng hơn 2 ha cà phê, sản lượng đạt trung bình 8 tấn/ha, thu trên 100 triệu đồng và tận dụng nguồn nước từ khe suối đào 1.300 m2 ao thả cá mỗi năm thu 5 tạ cá, bán được 40 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống tốt hơn, có điều kiện chăm lo cho các con học tập... Được biết, không chỉ làm giàu cho gia đình, năm 2014, ông Thưởng còn vận động các hộ dân nuôi ong trong bản liên kết thành lập Chi hội nuôi ong bản Mảy với hơn 50 hộ tham gia, nuôi gần 800 đàn ong rừng. Qua đó, giúp bà con có thêm thu nhập, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn, con giống và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống của nhân dân ở bản Mảy đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong bản vẫn còn gần 30%, ngoài sự nỗ lực của người dân rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương để bản mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

A Mua

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ban-may-tich-cuc-chuyen-doi-co-cau-san-xuat-29560