Bản năng tự nhiên giúp phụ nữ chống chọi với Covid-19 tốt hơn đàn ông

Đó là nhận định của nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki, Đại học Yale (Hoa Kỳ), cùng các đồng nghiệp trong bản nghiên cứu mới được công bố trên trang Nature về phản ứng miễn dịch theo giới tính.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo bà Iwasaki, nam giới sản sinh ra phản ứng miễn dịch chống chọi lại virus yếu hơn so với nữ giới. Covid-19 có thể tấn công bất cứ ai, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Tuy nhiên, những người đàn ông lớn tuổi thường có nguy cơ ốm nặng gấp đôi những người phụ nữ cùng độ tuổi.

Theo bản nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature, nam giới, đặc biệt là những người trên 60 tuổi, có thể cần phụ thuộc nhiều hơn vào vaccine để bảo vệ, tránh khỏi tình trạng bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, theo thời gian, hệ miễn dịch luôn ở tình trạng cảnh giác cao có thể gây hại. Các căn bệnh tự miễn dịch - phản ứng miễn dịch mạnh mẽ quá mức - phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.

Bà Iwasaki, người đứng đầu công trình nghiên cứu, nhận xét: "Nhiễm trùng tự nhiên không thể tạo ra các phản ứng miễn dịch đầy đủ ở nam giới. Phụ nữ có phản ứng miễn dịch nhanh hơn và mạnh hơn, có lẽ vì cơ thể của họ được thiết kế để chống lại các mầm bệnh đe dọa trẻ sơ sinh".

Trong khi đó, bác sĩ Marcus Altfeld, nhà miễn dịch học tại Viện Heinrich Pette (Đức), chia sẻ: "Chúng ta đang nhìn thấy hai mặt của cùng một đồng xu. Bạn có thể tính tới trường hợp một liều vaccine là đủ cho người trẻ hoặc phụ nữ trẻ trong khi nam giới cao tuổi phải cần tới 3 liều".

Nhận định của bác sỹ Altfeld dẫn đến khả năng các công ty phát triển vaccine cần phân tích thông tin theo giới tính và có thể ảnh hưởng tới liều lượng thuốc.

Hiện tại, các công ty nghiên cứu vaccine chưa cung cấp dữ liệu phân tích theo giới tính. Tuy nhiên, Hiệp hội Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ đã yêu cầu họ làm vậy, thêm cả thông tin về chủng tộc.

Nhóm nghiên cứu do bà Iwasaki đứng đầu đã phân tích phản ứng miễn dịch của 17 người đàn ông và 22 người phụ nữ được đưa vào bệnh viện không lâu sau khi nhiễm Covid-19. Họ lấy mẫu máu, dịch hầu họng, nước bọt, nước tiểu và phân của bệnh nhân 3-7 ngày một lần.

Nghiên cứu loại trừ những bệnh nhân dùng máy thở và uống các thuốc tác động tới hệ miễn dịch để đảm bảo ghi nhận chính xác phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki, Đại học Yale (Hoa Kỳ). Ảnh: AP

Nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki, Đại học Yale (Hoa Kỳ). Ảnh: AP

Các nhà nghiên cứu cũng đã thu thập thông tin của 59 người khác không đáp ứng các tiêu chí trên.

Kết quả, họ phát hiện phụ nữ sản sinh nhiều tế bào T - thành phần giúp tiêu diệt các tế bào nhiễm virus và ngăn chặn sự lây nhiễm.

Trong khi đó, đàn ông có khả năng kích hoạt tế bào T yếu hơn. Đối với những người càng lớn tuổi, phản ứng của tế bào T càng giảm.

Bà Iwasaki kết luận: "Khi họ già đi, họ mất khả năng kích thích tế bào T. Nếu bạn nhìn vào những người thực sự không thể tạo ra tế bào T, họ là những người rất dễ bị nhiễm bệnh. Song, "những phụ nữ lớn tuổi - thậm chí rất già, ở độ tuổi 90, vẫn tạo ra phản ứng miễn dịch có thể nói là rất tốt".

N.A

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ban-nang-tu-nhien-giup-phu-nu-chong-choi-voi-covid-19-tot-hon-dan-ong-20200828111230142.htm