Bán thuốc kê đơn online: Cần thiết nhưng phải có cơ chế quản lý để bán thuốc cho đúng người
Đề xuất bán thuốc qua hình thức thương mại điện tử tạo điều kiện cho người dân mua thuốc dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng là làm sao để kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý và chuyên môn của toa thuốc.
Bán lẻ thuốc nằm ngoài “cuộc chơi” số
Trong 10 năm trở lại đây, thương mại điện tử đã phát triển rất nhanh tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng bình quân luôn duy trì ở mức 2 con số. Riêng trong 4 năm trở lại đây, mặc dù chịu tác động mạnh từ đại dịch COVID-19, thế nhưng thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng “thăng hoa”, với mức tăng 16% - 30%.
Nếu như năm 2019, tổng giá trị giao dịch của thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 10,8 tỷ USD, thì tới năm 2023 con số này đã tăng lên 20,5 tỷ USD.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương dự báo tới năm 2025, quy mô của tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam có thể đạt khoảng 24 tỷ USD, tiếp tục đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Trong giai đoạn thương mại điện tử “bùng nổ” như hiện nay đã làm định hình lại xu hướng mua sắm, tiêu dùng tại Việt Nam. Trong đó, hầu như các ngành bán lẻ đều được hưởng lợi trong “cuộc chơi” trên các sàn thương mại điện tử.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương: Trên các sàn thương mại điện tử, nhóm ngành thời trang, bao gồm quần áo và phụ kiện được “hưởng lợi” nhiều nhất.
Cụ thể sau 5 tháng đầu năm 2024, doanh số ngành hàng thời trang trên các sàn thương mại điện tử đạt 29.000 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng cộng có 330 triệu sản phẩm được giao thành công đến tay người tiêu dùng, tăng 77%.
Tiếp đến là các ngành mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử, giày dép, thực phẩm... cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên 2 con số.
Trong khi đó, với riêng ngành thuốc và dược phẩm mặc dù bắt đầu tham gia “cuộc chơi” trên sàn thương mại điện tử cách đây khoảng 7 năm (năm 2017), thế nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành này vẫn còn khá khiêm tốn.
Một trong những rào cản lớn nhất của ngành thuốc khi kinh doanh online, đó là chính là những lo ngại về tình trạng “thượng vàng hạ cám” trên thương mại điện tử. Các gian thương có thể lợi dụng để buôn bán các sản phẩm thuốc, dược phẩm giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Điều này đã ảnh hưởng tới tâm lý mua hàng của người dân tại.
Bên cạnh đó, một số ý kiến còn lo ngại các cửa hàng thuốc online bán thuốc tràn lan, bán thuốc vô tội vạ ngay cả các sản phẩm thuốc đặc biệt, thuốc kê đơn.
Về cơ chế pháp luật hiện nay, cụ thể là tại Luật Dược 2016 và Nghị định 54 hướng dẫn Luật Dược cũng chưa có quy định rõ ràng liên quan đến kinh doanh thuốc online hay kinh doanh thuốc qua các sàn thương mại điện tử. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ thuốc trong nước vẫn đang ngần ngại khi tham gia vào cuộc chơi này.
Tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Trung Dũng, CEO nhà thuốc Phương Chính - cho rằng chuyển đổi số hiện nay là "sống còn" đối với các nhà thuốc tư nhân.
Ông cũng nói thêm thương mại điện tử cũng là xu thế tất yếu, đặc biệt sau COVID-19 nhu cầu mua thuốc online rất phổ biến. Nhu cầu thực tế của người dân là có, tuy nhiên hiện nay chưa có quy định về bán thuốc online.
"Chúng tôi mong rằng sẽ có quy định cụ thể triển khai để các nhà thuốc có thể thực hiện đúng quy định, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân", ông Dũng nói.
Đề xuất bán thuốc online, nên hay không?
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã chủ trì soạn thảo dự thảo bổ sung, sửa đổi Luật Dược. Dự thảo này đang được Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, khóa XV diễn ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2024.
Trong dự thảo này, Bộ Y tế đã bổ sung, ngoài việc bán thuốc tại các hiệu thuốc truyền thống, sẽ cho phép kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử, đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và phải tuân thủ những quy định nhất định.
Trên báo chí, lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết: Có thể thấy việc kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ hoặc các công ty vì không chỉ để có thêm một kênh bán hàng mà còn mở ra thị trường mới, quảng bá sản phẩm và mở rộng khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, trong bối cảnh mới cần bổ sung, xây dựng hành lang pháp lý đối với phương thức kinh doanh trên trong lĩnh vực dược để tránh khoảng trống pháp lý đối với vấn đề này.
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, việc bán thuốc qua hình thức thương mại điện tử tạo điều kiện cho người dân mua thuốc dễ dàng hơn. Tuy nhiên điều quan trọng là làm sao để kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý và chuyên môn của toa thuốc.
Đặc biệt, khi bán thuốc kê đơn thông qua các phương thức mua trực tuyến, cần phải có cơ chế quản lý để bán thuốc cho đúng người, đúng toa thuốc, người ký trên toa thuốc là bác sĩ có chuyên môn. Ngoài ra cũng kiểm tra kỹ để tránh tình trạng một người sử dụng toa thuốc để mua lại nhiều lần.
Khi được hỏi về quy định nêu trên, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đồng ý việc cho phép bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo Luật Dược, vì hiện nay thực tế đã và đang diễn ra.
Chẳng hạn, chúng ta chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc giao đến tận nhà. Chúng ta không nên cấm mà cần quy định chặt chẽ để quản lý, ngăn thuốc kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, nguyên cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh cũng đang ngày càng phát triển.
Riêng về việc quản lý bán thuốc online hay bán thuốc trực tiếp, ông Khuê cho rằng nguyên tắc số một cần đảm bảo an toàn cho người bệnh và hợp lý cũng như hiệu quả. Đồng thời, phải có sự quản lý, đảm bảo hướng dẫn cho người bệnh sử dụng an toàn, hiệu quả đúng liều, đúng cách dùng.
Mặc dù là đơn vị chủ trì, soạn thảo dự thảo Luật Dược, thế nhưng Bộ Y tế không phải là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm trong việc bán thuốc online. Trên thực tế, việc kinh doanh trên các nền tảng số còn chịu sự quản lý của Bộ Công Thương.
Bà Lê Thị Hà, trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương - chia sẻ, là đơn vị trực tiếp cấp phép cho các website, nền tảng số, có thể thấy hiện sàn thương mại điện tử rất phổ biến với người dân.
Hiện Bộ Công Thương triển khai quản lý trực tiếp nội dung này thông qua nghị định số 52, nghị định 85 sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, toàn bộ các chính sách liên quan dược, thuốc đã được đã được Bộ Công Thương điều chỉnh như trên môi trường truyền thống.