Bản tin 17/6: Đề xuất hạn chế ô tô vào phố cổ Hà Nội

Đề xuất hạn chế ô tô vào phố cổ Hà Nội; Việt Nam có 41.000 người bệnh đang lọc máu chu kỳ để duy trì cuộc sống...

Đề xuất hạn chế ô tô vào phố cổ Hà Nội

Ảnh Đài Phát thanh & truyền hình Hà Nội.

Ảnh Đài Phát thanh & truyền hình Hà Nội.

Theo Đài Phát thanh & truyền hình Hà Nội để giảm mật độ giao thông ở khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm đã đề xuất thành phố quy định hạn chế ô tô vào phố cổ và hạn chế xe buýt vào các trục xuyên tâm.

Theo đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, sau khi mở các tuyến phố đi bộ, tình hình giao thông trên địa bàn vào cuối tuần có một số điểm ùn tắc nhất định, quận đã phối hợp nghiên cứu lại việc tổ chức giao thông trên địa bàn.

Trước mắt, quận Hoàn Kiếm bố trí giao thông tĩnh ở phần ngầm như vườn hoa ở Nhà hát Lớn, quảng trường 1/5 cũng như điều chỉnh một số điểm ùn tắc cục bộ, tăng cường xe buýt nhỏ đi vào trung tâm của quận.

Đồng thời, để giảm mật độ giao thông, quận đã có đề xuất thành phố quy định hạn chế ô tô vào phố cổ và hạn chế xe buýt đi vào các trục xuyên tâm.

Việt Nam có 41.000 người bệnh đang lọc máu chu kỳ để duy trì cuộc sống

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Kinh tế đô thị ngày 16/6, tại lễ kỷ niệm 52 năm Ngày lọc máu chu kỳ đầu tiên (20/6) do Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh và Hội Lọc máu Việt Nam phối hợp tổ chức, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Lọc máu Việt Nam Lê Việt Thắng cho biết, ngày 20/6/1972, ca lọc máu chu kỳ đầu tiên cho bệnh nhân đã được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai.

Từ đó đến nay, nhờ sự phát triển khoa học công nghệ, vấn đề an sinh xã hội, chất lượng chuyên ngành lọc máu, chất lượng cuộc sống người bệnh ngày càng được nâng cao.

Bệnh thận mạn tính có liên hệ chặt chẽ với các bệnh: đái tháo đường, xơ hóa do tăng huyết áp, các bệnh cầu thận nguyên phát và thứ phát. Ngoài ra, bệnh thận mạn tính còn phát triển do nguyên nhân khác như di truyền, bệnh lý đường tiết niệu, thận đa nang, bệnh thận do thuốc giảm đau, không rõ nguyên nhân. Bệnh thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối sẽ dẫn đến suy thận, đây là giai đoạn nặng nhất đòi hỏi người bệnh cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 41.000 người bệnh đang thực hiện lọc máu chu kỳ, một tuần từ 2 – 3 lần để duy trì cuộc sống. Nhiều người bệnh lọc máu vẫn tham gia lao động đóng góp cho xã hội. Lọc máu chu kỳ ở Việt Nam hiện nay sánh ngang tầm khu vực.

PGS.TS Đặng Thị Việt Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Thận – Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, hiện nay có khoảng 850 triệu người trên thế giới mắc bệnh thận mạn tính. Con số này tại nước ta là gần 9 triệu người tương đương gần 13% dân số Việt Nam.

Theo PGS.TS Đặng Thị Việt Hà, bệnh thận mạn tính là bệnh không lây nhiễm nhưng nằm trong nhóm các bệnh có tỉ lệ tử vong cao. Nhiều trường hợp không biết mình mắc bệnh và tới khi phát hiện bệnh thận đã suy thận giai đoạn cuối. Việc chẩn đoán phát hiện và điều trị sớm bệnh thận là vấn đề cấp thiết và vô cùng quan trọng.

Người lái chiếc xe ô tô bị bỏ lại trên cầu Thăng Long đã tử vong

Hình ảnh chiếc xe ô tô bị bỏ lại trên cầu Thăng Long.

Hình ảnh chiếc xe ô tô bị bỏ lại trên cầu Thăng Long.

Theo Phụ Nữ Việt Nam ngày 16/6/2024, Công an xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nộ cho biết cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân một người đàn ông tử vong dưới chân cầu Thăng Long.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 5h sáng cùng ngày, người dân trong khi lưu thông trên cầu Thăng Long đã phát hiện chiếc xe ô tô màu đỏ hiệu Mazda mang BKS: 98A.429.xx đậu tại cầu.

Tiến hành kiểm tra, người dân không phát hiện thấy có người ở bên trong. Nhận thấy điều bất thường, người dân đã báo lực lượng chức năng xác minh.

Vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng xác định lái xe là nam giới đã tử vong dưới chân cầu. Theo lãnh đạo địa phương, đến trưa cùng ngày, cơ quan chức năng đã hoàn thành việc khám nghiệm hiện trường.

Hiện, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-176-de-xuat-han-che-o-to-vao-pho-co-ha-noi-a668636.html