Bằng đại học, ghi hay không ghi nội dung... xếp loại?
Trong một dự thảo thông tư đưa ra lấy ý kiến người dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự tính trên văn bằng tốt nghiệp đại học sẽ không còn ghi xếp loại (xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình) như hiện nay nữa. Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, sẽ là người tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào đầu quân cho mình, có hai luồng suy nghĩ đối chọi nhau.
Cứ theo suy nghĩ cấp tiến thông thường, doanh nghiệp thực sự tìm người giỏi, làm được việc sẽ không coi trọng bằng cấp; thậm chí đã có nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới bỏ hẳn yêu cầu có bằng đại học khi tuyển dụng, kể cả các tên tuổi trong ngành công nghệ như Apple, Google, Netflix... Một khi doanh nghiệp có nhận định chương trình đào tạo của hệ thống đại học hiện nay không đáp ứng yêu cầu của họ, tuyển người vào phải huấn luyện trở lại nhiều kỹ năng thì việc bằng cấp ghi hay không ghi tốt nghiệp loại gì đâu còn là yếu tố quan trọng.
Ở luồng suy nghĩ ngược lại, cần tính đến năng lực sàng lọc trong tuyển dụng mà không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có như nhau. Theo một quy trình thông thường, sau khi phát ra thông báo tuyển dụng, sẽ có hàng ngàn đơn gửi về doanh nghiệp. Dựa vào một số tiêu chí sàng lọc ban đầu, doanh nghiệp sẽ chọn ra một số ít ứng viên có tiềm năng để đưa vào vòng trong, có phỏng vấn, hỏi chuyện, thậm chí thuyết phục, mời vào. Các tiêu chí ấy có thể là xếp loại ghi trên bằng tốt nghiệp. Tiêu chí “chính quy” hay “từ xa”, “tại chức” đã bị bãi bỏ nay bỏ thêm tiêu chí “xếp loại”, doanh nghiệp biết dựa vào đâu để chọn lọc bước đầu với chi phí thấp nhất.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ đâu có một bộ phận nhân sự dày kinh nghiệm để có thể phỏng vấn đãi cát tìm vàng một cách chính xác. Họ đâu đủ tiền thuê các công ty săn đầu người tìm sẵn các ứng viên phù hợp nhất để chọn lựa. Lúc đó bằng cấp và các yếu tố liên quan như trường ứng viên học, xếp hạng tốt nghiệp là những bộ lọc giúp họ nhanh chóng gạt bỏ nhiều hồ sơ để tập trung vào một số hồ sơ nhất định trong khả năng sàng lọc kỹ của họ. Đừng nói là đã có bảng điểm bởi bằng đã không ghi thì không thể trông mong bảng điểm là công cụ giúp sàng lọc nhanh chóng.
Làm sao để dung hòa hai luồng suy nghĩ này, đó là chưa kể từ góc độ người học, cũng có những luồng suy nghĩ trái chiều nhau về chuyện ghi hay không ghi xếp loại trên bằng cấp. Ghi có thể xem như một cách ghi nhận, đánh giá nỗ lực của sinh viên; không ghi sinh viên sẽ học làng nhàng cho xong bốn năm. Không ghi cũng có thể được xem là cách giúp sinh viên theo đuổi đam mê thật sự của mình chứ không chạy theo điểm số. Nhìn sao cũng hợp lý!
Thiết nghĩ có một số nguyên tắc giúp tìm ra cách làm đúng đắn. Chẳng hạn, người ta bảo xu hướng các nước là không ghi thứ hạng trên bằng nên chúng ta cứ làm theo. Thế nhưng họ quên một điều: các nước cũng đâu dùng điểm thi để xét tuyển đầu vào đại học như chúng ta. Và nói các nước không ghi thứ hạng khi tốt nghiệp là không chính xác. Một nguyên tắc khác - so sánh giữa chi phí và lợi ích đem lại để quyết định làm hay không làm một điều gì đó; việc không ghi xếp loại trong điều kiện nước ta đem lại một lợi ích rất nhỏ là giúp giảm nhẹ thói quen quá chú trọng vào bằng cấp trong khi chi phí cho xã hội lại lớn hơn nhiều.
Cách tốt nhất, và cũng theo thông lệ quốc tế, là bỏ ghi xếp loại kiểu “trung bình, trung bình khá, khá, giỏi...”; thay vào đó là tô đậm thành tích của sinh viên xuất sắc bằng một số danh xưng như nhiều nước đang làm với các cụm từ Latinh (cum laude, magna cum laude, summa cum laude). Nói cách khác, bằng cấp tốt nghiệp sẽ không còn ghi xếp loại tốt nghiệp mà chỉ còn ghi nhận sinh viên xuất sắc, theo hai, ba cấp độ nào đó do ngành giáo dục quy định. Cầm trong tay tấm bằng ghi mình tốt nghiệp loại trung bình ắt sẽ là gánh nặng cho một người nếu phải mang theo suốt đời, bỏ là đúng; nhưng ngược lại, sở hữu tấm bằng ghi dòng chữ “xuất sắc” lại là niềm tự hào chính đáng, giúp nhà tuyển dụng nhẹ công và giúp nhà trường thêm một công cụ để xây dựng một truyền thống lâu dài.
Xóa phân biệt và sự khác biệt trong văn bằng đại học
Theo dự thảo Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung chính ghi trên văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và tiến sĩ danh dự sẽ chỉ còn 10 mục gồm:
1. Tiêu đề: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM;
2. Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ);
3. Tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng;
4. Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng;
5. Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng;
6. Quốc tịch của người được cấp văn bằng;
7. Ngành đào tạo;
8. Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng;
9. Họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định;
10. Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.
Cũng theo dự thảo thông tư này, cơ sở giáo dục đại học được bổ sung các nội dung khác ghi trên văn bằng giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật.
Như vậy so với mẫu văn bằng giáo dục đại học hiện hành, mẫu văn bằng mới giảm hai mục, không phân biệt loại hình đào tạo chính quy, từ xa, tại chức (vừa học vừa làm) và không ghi xếp hạng xuất sắc, giỏi, khá, trung bình trên văn bằng. Đây là những điểm mới mang tính tích cực, tránh phân biệt đối xử trên văn bằng.
Tuy nhiên, bậc đại học đào tạo nhiều ngành có danh hiệu khác nhau như cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ..., đó là sự khác biệt, đặc trưng chuyên ngành cần được ghi trên văn bằng tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, trong xu hướng hội nhập toàn cầu thì văn bằng nên thống nhất ghi nội dung song ngữ (Việt - Anh) để thuận tiện sử dụng trong chuyển dịch lao động quốc tế.
Văn bản dự thảo tại địa chỉ: https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1437#content_5
Minh Duy
Kỳ Thư