Đề xuất giao ngành giáo dục tự chủ tuyển dụng

Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu hơn 113.000 giáo viên các cấp học mầm non và phổ thông. Đặc biệt, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại ở hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Trong khi cả nước đang thiếu giáo viên như vậy, lại có khoảng 72.000 biên chế thừa do các địa phương không có nguồn để tuyển dụng hoặc quá chậm trong quá trình tuyển dụng. Ghi nhận tại Hà Nội và Thái Bình, hai địa phương đang dôi dư nhiều biên chế, dù cũng rất thiếu giáo viên.

Là giáo viên hợp đồng, cô giáo Lê Thị Liên nhận lương theo học kỳ. Điều đó có nghĩa là 3-4 tháng, cô mới được nhận lương 1 lần. Không chỉ cô Liên, Trường Tiểu học Hiền Giang có đến 1 nửa nhân lực là giáo viên hợp đồng với đời sống bấp bênh như vậy. Giữ chân giáo viên khi thu nhập eo hẹp và chế độ thấp là bài toàn khó…

Còn Trường Tiểu học và THCS Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, Thái Bình, thiếu giáo viên tin học cấp 1, trong khi biên chế môn Âm nhạc lại có tới 3 người. Vì thế, giải pháp đưa ra là điều động thầy giáo dạy Âm nhạc dạy cả môn Tin học.

Thừa biên chế nhưng vẫn thiếu giáo viên là một thực trạng nhức nhối trong ngành giáo dục hiện nay. Hà Nội là địa phương còn dư nhiều biên chế giáo dục nhất, hơn 8,3 nghìn chỉ tiêu. Thái Bình còn hơn 1,4 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng. Hiện nay, việc tuyển dụng nhà giáo đang thuộc thẩm quyền ngành nội vụ.
Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Nhà giáo có một chương về tuyển dụng nhà giáo. Theo đó, giao ngành giáo dục địa phương được chủ trì tuyển dụng biên chế cho ngành.

Dự thảo Luật Nhà giáo được trình Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 8. Việc có thể giao ngành giáo dục tự chủ tuyển dụng đang là vấn đề mà nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là các giáo viên hợp đồng hết sức trông mong.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Phan Hằng - Đỗ Minh - Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/de-xuat-giao-nganh-giao-duc-tu-chu-tuyen-dung-241689.htm