Bão 13 giảm cấp vẫn gây thiệt hại không nhỏ
Bão số 13 đã quét qua vùng biển các tỉnh miền Trung rồi đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Nam Hà Tĩnh với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 12. Mặc dù đã giảm cấp khi vào đất liền, nhưng sóng lớn do bão đã gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Trên địa bàn Biên phòng các tỉnh miền Trung cũng ghi nhận thiệt hại không nhỏ về nhà cửa, cơ sở vật chất.
Quảng Nam: 31 nhà dân bị hư hại
Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Nam cho biết, gió lớn, sóng biển dâng cao đã làm sạt lở 31 nhà dân và hàng quán tại khu vực bờ biển Cửa Đại, Cẩm An, thành phố Hội An; làm tốc mái 1 hộ dân tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành.
Ngoài ra, bờ biển Cửa Đại tiếp tục bị sạt lở khoảng 3km, chiều sâu khoảng 10 đến 20m. Bờ biển xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 11km; đê ngăn mặn ven biển bị sạt lở, hư hỏng nặng tại nhiều vị trí.
Nước biển dâng cũng làm Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cửa Đại bị ngập sâu hơn 1m. Sóng đánh làm đổ 2m tường rào, 60m2 sân bị xói lở, hệ thống bờ kè bị sạt lở nghiêm trọng.
Hiện tại, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Nam đang duy trì trực 100% quân số, 4 ô tô, 3 tàu, 8 ca nô phòng, chống bão số 13 và khắc phục hậu quả.
Đà Nẵng: 1 ghe bị chìm, 8 phương tiện bị gác cạn
Bộ chỉ huy BĐBP Đà Nẵng cho biết, khoảng 23 giờ ngày 14-11, tàu BP 319801 đang neo trú tránh bão tại vịnh Mân Quang (vùng nước trước Hải đội 2 Biên phòng) bị gió mạnh làm rê neo, hạn chế khả năng điều khiển. Hải đội 2 đã cử 20 cán bộ chiến sĩ hỗ trợ làm dây và gia cường đệm và trú đậu an toàn tại cầu cảng đơn vị.
Theo báo cáo ban đầu, các đơn vị an toàn về người và phương tiện. Về cơ sở vật chất, doanh trại, kho tàng, hiện tại chưa phát hiện thiệt hại gì lớn, ghi nhận hư hại một số hạng mục nhỏ (hư hỏng cổng phụ Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà) gãy đổ cây xanh, tốc mái, hư hỏng 30m2 mái tôn của Trạm Kiểm soát Biên phòng Bãi Bắc, Đồn Biên phòng Sơn Trà). BĐBP Đà Nẵng hiện đang tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực còn lại.
Trên địa bàn Biên phòng ghi nhận đứt 1 phao bù neo số 27B trong Âu thuyền Thọ Quang. Trong khi đó, tính đến 8 giờ ngày 15-11, 1.527 phương tiện neo đậu tại các âu thuyền đã xảy ra một số sự cố nhỏ. Cụ thể 1 ghe neo đậu ở khu vực gần bờ kè sát đường Hồ Hán Thương do ông Đặng Văn Cu (1976) trú tổ 100, phường Nại Hiên Đông, quân Sơn Trà bị chìm. 8 phương tiện khác ở khu vực Cồn Thông, gần Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang bị gác cạn nhẹ phần mũi.
Theo thông tin cập nhật lúc 8 giờ sáng nay, 238 lồng bè nuôi nghêu, hàu của Đà Nẵng vẫn an toàn. Ngoài ra 25/28 phương tiện chở dầu trú tránh tại khu vực vịnh Mân Quang vẫn được đảm bảo, không có sự cố xảy ra. Sau bão, 56 tàu hàng nội địa /508 thuyền viên trú tránh tại Đà Nẵng và 24 phương tiện hoạt động du lịch trên sông Hàn vẫn an toàn.
Quảng Bình: Sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn BĐBP Quảng Bình, sáng nay, trên khu vực biên giới có gió cấp 3-4, khu vực biên giới biển có gió cấp 6-7. Toàn bộ hơn 6.500 tàu cá của ngư dân trong tỉnh và 147 tàu cá của ngư dân ngoại tỉnh neo đậu tại các âu thuyền, bến bãi an toàn. Các tuyến đường lên biên giới lưu thông bình thường.
Hiện Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình tiếp tục duy trì nghiêm các kíp trực 24/24, trực 70% quân số tại đơn vị, 30% quân số tại địa bàn sẵn sàng hỗ trợ người dân và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống.
Trước đó, BĐBP Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân trên địa bàn chằng chống 753 nhà; sắp xếp neo đậu hơn 2.300 tàu thuyền, di dời 1.381 hộ/4.290 khẩu có nguy cơ ảnh hưởng bão đến các vị trí an toàn.
Quảng Trị: Bờ biển bị xâm thực 14km
Đến 10 giờ ngày 15-11, địa bàn tỉnh Quảng Trị tiếp tục có mưa vừa, gió giảm do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 13. Đến thời điểm hiện tại, bão số 13 đã quét qua đảo Cồn Cỏ gây mưa to vào gió cấp 7,8. Chưa có báo cáo thiệt hại.
Cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn BĐBP Quảng Trị cho biết đã triển khai 67 tổ/413 cán bộ chiến sĩ (bao gồm 51 tổ/308 cán bộ chiến sĩ trên tuyến biên giới đất liền và 16 tổ/105 cán bộ, chiến sĩ trên tuyến iên giới biển đảo) phối hợp với chính quyền địa phương xuống các địa bàn xung yếu trước khi bão vào giúp 914 hộ dân chằng chống nhà cửa, di dời 1.291 hộ/4.383 khẩu đến nơi an toàn. Trong đó, 34 hộ/181 khẩu đã được di dời tới Đồn Biên phòng, Hải đội 2 và trạm kiểm soát Biên phòng tránh trú bão.
Theo thống kê sơ bộ, bão số 13 đã làm 25 ngôi nhà ở xã Hải An, Hải Khê, huyện Hải Lăng (địa bàn Đồn Biên phòng Hải An) bị tốc mái. Tuyến đường từ xã Hải An lên huyện Hải Lăng có nhiều cây cối gẫy đổ làm ách tắc giao thông.
Bãi tắm từ xã Gio Hải đến Trung Giang huyện Gio Linh bị xâm thực dọc bờ biển dài khoảng 14km, sâu từ 1-2m, làm hư hỏng, sập đổ 15 quán kinh doanh của dân.
Hiện 67 tổ công tác của BĐBP Quảng Trị vẫn đang bám nắm địa bàn, giúp dân khắc phục hậu quả sau bão.
Thừa Thiên Huế: Nhiều tàu thuyền bị chìm và mắc cạn
Sóng biển đánh mạnh vào bờ khiến tình trạng sạt lở bờ biển tại một số khu vực biển của tỉnh Thừa Thiên Huế xói lở nghiêm trọng hơn. Tại bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang biển xâm thực ăn sâu vào đất liền khoảng 4-5m, dài khoảng 700m. Đoạn kè biển xã Giang Hải bị sóng đánh hư hỏng khoảng 50m.
Một số sự cố về tàu thuyền cũng đã được ghi nhận tại Thừa Thiên Huế, trong đó, một tàu bị sóng đánh đổ đè lên một nhà dân làm sập 2/3 nhà, rất may không có thiệt hại về người. Ngoài ra, có 2 tàu rê neo bị mắc cạn, 11 phương tiện bị sóng đánh chìm.
Một số đơn vị Biên phòng cũng bị hư hại nhẹ do gió bão như tóc mái nhà, gãy đổ đèn chiếu sáng, hư hỏng cổng đơn vị... Các đơn vị đang thống kê thiệt hại.
Được biết, Bộ chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã điều động 1 tàu với 9 cán bộ chiến sĩ tổ chức cứu nạn các tàu cá bị mắc cạn; duy trì 720 cán bộ, chiến sĩ với 46 phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu và giúp dẫn khắc phục hậu quả bão số 13.