Báo CAND với một năm bội thu giải thưởng

Năm 2023 tiếp tục là một năm thành công của các cán bộ, phóng viên Báo CAND, với hàng loạt giải thưởng báo chí lớn được trao. Trong đó, 1 tác phẩm đoạt giải Nhì cuộc thi viết 'bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới' lần thứ II; 3 tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII-2022; 1 tác phẩm đoạt giải Đặc biệt và 1 tác phẩm đoạt giải A của Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ IV trong CAND do Bộ Công an tổ chức cùng nhiều giải thưởng báo chí uy tín khác của các ban, bộ, ngành Trung ương.

Phía sau những giải thưởng ấy là sự dấn thân đầy “máu lửa” để thu về những trải nghiệm và kinh nghiệm quý báu mà nghề báo mang lại. Đời sống sôi động và đa chiều chính là môi trường tôi rèn nghề báo, là thử thách đặt ra giúp các nhà báo ngày càng trưởng thành, xứng đáng là những ngòi bút sắc tạo nên dấu ấn riêng của báo chí lực lượng CAND.

Tìm ra lối đi riêng

Những năm qua, với sự chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của Ban biên tập, đặc biệt là đồng chí Tổng Biên tập Báo CAND, các ban chức năng của Báo đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, đóng góp vào thành tích chung của toàn lực lượng CAND trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, nhân dân và chế độ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng nhóm tác giả Báo CAND đoạt giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII, năm 2022 (trao ngày 21/6/2023).

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng nhóm tác giả Báo CAND đoạt giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII, năm 2022 (trao ngày 21/6/2023).

Loạt bài viết “Những kẻ giảo hoạt với lá bài nhân quyền” được Thượng tá Phan Đăng Trường, Phó Tổng Biên tập Báo CAND triển khai dưới cách tiếp cận mới từ thực tiễn sinh động trong nước, phân tích thủ đoạn “lộng giả thành chân” của các thế lực chống phá với “lời cảnh tỉnh từ hải ngoại”; từ đó, loạt bài viết đã đưa ra góc nhìn khách quan, có ý nghĩa cảnh tỉnh, giáo dục cao. Qua đó, bài viết tạo sự lan tỏa sâu rộng trên internet, được bạn đọc tiếp nhận, đánh giá cao. Loạt bài đã đoạt Giải Nhì cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ II (2022-2023).

Với góc nhìn, cách tiếp cận riêng, năm 2023, Thượng tá Phan Đăng Trường tiếp tục đoạt giải Đặc biệt Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ IV, năm 2022-2023 trong CAND với loạt bài 5 kỳ “Công cuộc củi lửa và những vấn đề thời sự”. Đề cập loạt bài viết này, tác giả Đăng Trường cho biết: ““Công cuộc củi lửa" hay "nhóm củi, đốt lò", "củi khô, củi tươi cũng cháy"... là từ ngữ người dân đã quen gọi, xuất phát từ hình ảnh so sánh gần gũi, dễ hình dung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tổng Bí thư giải thích "củi khô, củi vừa vừa cháy trước", đến khi "cả lò nóng lên" thì "củi tươi cũng cháy", không thể thoát khỏi xu thế chung. Tới nay, hiệu lực, hiệu quả "công cuộc củi lửa" đã được thể hiện rõ, gắn liền việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII, khẳng định "nghị quyết của lòng dân", củng cố niềm tin trong nhân dân với Đảng, Nhà nước. Từ quá trình triển khai và hiệu quả đạt được cũng như khó khăn, thách thức đặt ra, chúng tôi đúc kết những bài học, vấn đề có tính thời sự, được xem như chìa khóa quyết định của cuộc chiến trường kỳ và hết sức cam go này”.

Nhóm phóng viên Ban Kinh tế - Pháp luật tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất.

Nhóm phóng viên Ban Kinh tế - Pháp luật tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất.

Những giải thưởng từ sự phát huy trí tuệ tập thể

Trong dịp 21/6 vừa qua, Ban Thời sự - Chính trị đã vinh dự đoạt được 2 giải thưởng của Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII, năm 2022 (1 giải B, 1 giải C). Đây là niềm vui của các nhóm tác giả đoạt giải nhưng cũng là niềm vui và tự hào chung của cả Ban, vì đã tăng thêm bề dày bộ sưu tập các giải thưởng của Ban, đặc biệt là Giải Báo chí Quốc gia. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, hầu như năm nào các nhóm tác giả của Ban cũng đoạt các Giải Báo chí Quốc gia (Năm 2019 đoạt giải C, năm 2020 đoạt giải B, năm 2022 là giải C và năm 2023 là 1 giải B, 1 giải C).

Để đoạt được những giải thưởng ấy, các cán bộ, phóng viên của Ban Thời sự - Chính trị luôn nhận được sự quan tâm của Ban Biên tập, sự ủng hộ, trợ giúp của các ban chuyên môn trong Báo. “Điều quan trọng tạo nên thành công của chúng tôi trong việc đoạt các giải thưởng báo chí, đó là chúng tôi đã đoàn kết, tạo nên sức mạnh của trí tuệ tập thể. Lãnh đạo Ban đã biết chọn lựa và phát huy thế mạnh của từng cá nhân, từ đó tổng hợp, gắn kết và tạo ra các sản phẩm có giá trị của tập thể” - Trung tá Trần Thu Hòa, Trưởng ban Ban Thời sự - Chính trị chia sẻ.

Nhóm tác giải Anh Hiếu - Quỳnh Vinh - Hoàng Phong - Minh Hiền đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia.

Nhóm tác giải Anh Hiếu - Quỳnh Vinh - Hoàng Phong - Minh Hiền đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia.

Cụ thể, nhóm tác giả đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII (thể loại báo in) gồm: Thiếu tá Lò Thị Hiếu, Phó trưởng Ban; Đại úy Nguyễn Thị Quỳnh Vinh; Đại úy Hoàng Văn Phong và phóng viên Lê Thị Thanh Hiền. Nhận thấy tuyên truyền về Đề án 06 cần một chuyên đề dài kỳ, có tính chuyên sâu để phân tích trên nhiều khía cạnh, lĩnh vực; không chỉ phản ánh sự triển khai quyết liệt của Bộ Công an, mà còn cho thấy sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhóm tác giả đã xây dựng đề cương báo cáo Thiếu tướng Phạm Khải, Tổng Biên tập duyệt và chỉ đạo triển khai. Thượng tá Phan Đăng Trường, Phó Tổng Biên tập trực tiếp chỉ đạo, đồng hành cùng nhóm phóng viên từ khâu lên ý tưởng, triển khai thực hiện và duyệt bài.

Khó khăn trong quá trình tác nghiệp là tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều cán bộ, người dân cũng bị nhiễm COVID-19, các phóng viên trong nhóm làm việc cả ngày nghỉ, xuống cơ sở vào buổi tối, đồng hành cùng lực lượng Công an triển khai Đề án 06; thu thập tài liệu, phỏng vấn lãnh đạo các bộ, ngành... Sau đó, chọn lựa cách tiếp cận, tuyên truyền làm sao đạt hiệu quả cao nhất, chọn từng khâu đột phá, các chi tiết có giá trị cho từng bài. Từ khi ấp ủ đề tài, nhóm phóng viên mất hơn 4 tháng để triển khai loạt bài 5 kỳ này. Những kết quả ở thời điểm đó dù là ban đầu nhưng có tác dụng “bật tung” những lực cản cũ kỹ về tư duy, về thực hiện những dịch vụ công vẫn mang nặng tính hành chính. Qua đó, góp phần tạo đồng thuận của người dân trong quá trình Bộ Công an cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án 06. “Đến thời điểm này, rất nhiều kết quả đạt được đã minh chứng điều này. Nhớ lại quãng thời gian ban đầu làm công tác tuyên truyền đó, chúng tôi càng cảm thấy tự hào, niềm vui như nhân đôi vì đã góp phần nhỏ bé tuyên truyền xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số...”, nhóm tác giả đoạt Giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2022 với loạt tác phẩm “Chuyển đổi số, dấu ấn tiên phong và đột phá” cho biết.

Nhóm tác giả đoạt Giải C Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII (thể loại báo điện tử) gồm: Trung tá Trần Thu Hòa, Trưởng ban; Thiếu tá Lê Thu Thủy và phóng viên Lương Xuân Trường. Vào tháng 6/2022, đón đầu nội dung Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV sẽ thảo luận, thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhóm tác giả đã lập đề cương thực hiện chuyên đề: “Tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam - Một chính sách cần thiết và nhân văn”. Vốn nhiều năm gắn bó với lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam nên nhóm phóng viên rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả của công tác quản lý các can, phạm nhân. Tuy vất vả, gian khổ là thế, nhưng sâu thẳm trong mỗi cán bộ công tác trong lĩnh vực trại giam là sự trăn trở: Làm thế nào để các phạm nhân hiểu được giá trị của lao động, từ đó có nhiều hơn cơ hội tìm kiếm việc làm khi trở về với cuộc sống bình thường sau khi mãn hạn tù?

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Biên tập, nhóm phóng viên đã tổ chức 5 bài viết có kết cấu chặt chẽ. Phương châm của nhóm phóng viên là phải đi tận nơi, gặp con người thực tế, phải thấu hiểu được suy nghĩ, mong muốn của họ thì mới có những lập luận thuyết phục cho hiệu quả của Nghị quyết (nếu được thông qua) mang lại. Tuyến bài đi theo hướng: Đánh giá lại hiệu quả của mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam thời điểm trước năm 2019, từ đó khẳng định vai trò của lao động trong công tác cải tạo phạm nhân. Đồng thời, phóng viên gặp gỡ các cán bộ trại giam, kể cả các phạm nhân để lắng nghe và chuyển tải tiếng nói mong mỏi của người trong cuộc; gặp gỡ, trao đổi với các đại biểu Quốc hội; các doanh nghiệp và chính quyền sở tại thì đều nhận được sự đồng lòng, ủng hộ rất cao... Đúng như mong ước của nhóm phóng viên và của tất cả những người quan tâm đến chính sách hết sức nhân văn này: Ngày 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam với tỉ lệ phiếu rất cao (467/480 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành).

Thượng tá Phan Đăng Trường nhận giải Nhì cuộc thi viết “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ II.

Thượng tá Phan Đăng Trường nhận giải Nhì cuộc thi viết “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ II.

Trong năm 2023, thêm một niềm vui nữa đến với Ban Thời sự - Chính trị khi nhóm tác giả gồm: Trung tá Trần Thu Hòa và Đại úy Hoàng Văn Phong đoạt Giải Nhất Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ IV, năm 2022-2023 trong CAND, do Bộ Công an tổ chức, với loạt bài: “Bắt mạch thủ đoạn ngầm trong đấu thầu”. Ngay từ khi lập đề cương, bằng kinh nghiệm, vốn sống và khả năng tập hợp, bao quát vấn đề, nhóm tác giả xác định viết về đề tài phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một chủ đề khá chuyên biệt, trong đó có rất nhiều nội dung, tài liệu khó tiếp cận, thậm chí bị gây khó khăn bởi nhiều cơ quan chức năng nằm trong diện vi phạm, đang vi phạm. Có nhiều vụ đại án đã và đang được Bộ Công an điều tra, nhưng việc tiếp cận tài liệu và truyền tải nội dung như thế nào cần được xem xét, đánh giá ở nhiều khía cạnh, góc độ, vừa đảm bảo yếu tố tuyên truyền, phòng chống hiệu quả tham nhũng, tiêu cực nhưng đồng thời cũng không để sơ hở, lộ nghiệp vụ, các thông tin gây ảnh hưởng đến quá trình đấu tranh, điều tra chuyên án.

Quá trình nhóm phóng viên điều tra thu thập tài liệu đã được sự hỗ trợ giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Đặc biệt, nhận thấy sự cấp thiết của vấn đề trong đề cương, lãnh đạo Phòng 6, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đề xuất cùng tham gia nhóm phóng viên để thẩm định nội dung cũng như những tài liệu có liên quan, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.

Dù vất vả, mất khá nhiều thời gian, công sức để điều tra, thu thập tài liệu, song khi đặt bút viết loạt bài 5 kỳ với nội dung: “Bắt mạch thủ đoạn ngầm trong đấu thầu”, nhóm phóng viên chỉ mất 2 ngày để hoàn thành, bởi kiến thức, tài liệu thu thập được đã như mạch nước tuôn chảy, kiến tạo ra các kỳ báo hoàn chỉnh, đầy đặn về cảm xúc và tư liệu. Ban Biên tập đã đọc, bồi đắp thêm các nội dung mang tính thời sự, phản ánh đúng những tâm tư, sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an triển khai...

Cùng đoạt giải thưởng của Giải Báo chí bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới là tác phẩm: “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở huyện đảo Trường Sa” của tác giả Lò Thị Hiếu (Giải Khuyến khích). Loạt bài phản ánh thực tiễn sinh động việc thực hiện nghị quyết của Đảng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi huyện đảo Trường Sa - vùng đất, vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Những ngày lênh đênh trên con tàu hải quân giữa biển khơi, tận mắt chứng kiến đời sống, công tác của cán bộ và nhân dân trên đảo, cùng trò chuyện với các chiến sĩ, tôi cảm nhận sâu sắc bản lĩnh, ý chí, tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt của những con người bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió” - tác giả Anh Hiếu cho biết.

Thắp lên ngọn lửa đam mê

Trong nhiều giải thưởng mà các nhà báo, phóng viên Báo CAND đoạt được, không thể không kể tên giải thưởng của các bộ, ngành. So với những báo chuyên ngành thì những mảng miếng như kinh tế, văn hóa, xã hội, phóng viên Báo CAND chỉ là “tay ngang” nhưng cũng “rinh” nhiều giải thưởng. Có những giải thưởng, dù mới được tổ chức lần đầu, nhưng phóng viên Báo CAND đã ghi tên ngay vào danh sách nhận giải, như Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” mới diễn ra lần đầu vào năm nay - 2023.

Đối với mảng văn hóa, thể thao, kể từ ngày Báo CAND ra phát hành công khai, xã hội hóa tất cả các lĩnh vực, những chiến sĩ - phóng viên Báo CAND đã có mặt trên mọi “trận địa” của đất nước, để phản ánh, đưa tin những sự kiện thời sự, đồng thời đóng góp những bài viết phân tích sâu về một vấn đề, một hiện tượng, mọi trào lưu trong xã hội với cái nhìn khách quan, công tâm nhưng nhân văn và thiện mỹ. Loạt bài 4 kỳ “Tiền tỷ đổ vào dâng sao giải hạn đầu năm” của nhóm phóng viên Ban Kinh tế - Pháp luật gồm: Trung tá Lưu Thị Lệ Thúy, Thiếu tá Trần Thị Hằng và phóng viên Nguyễn Thị Hoa là một loạt bài như thế. Từ thực tế sinh động, qua lăng kính phóng viên, vấn nạn mê tín này đã được phản ánh một cách chi tiết, với nhiều tình tiết lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Ở đó, độc giả có thể nhìn thấy bức tranh về sự mê muội của con nhang đệ tử và sự thoái hóa ở một số người mang danh tu hành, dùng thần thánh để trục lợi. Quan trọng hơn, một “lỗ hổng” to đùng về tiền công đức đang bị bỏ ngỏ.

“Tiền chùa, ai quản lý?” là vấn đề thứ hai mà tác phẩm đặt ra, để rồi trăn trở đi tìm lời giải đáp từ cả phía Giáo hội Phật giáo cho đến cơ quan chức năng là Bộ Tài chính - nơi giữ “túi tiền” của cả nước. Tuy nhiên, cái cốt lõi của vấn đề mà tác phẩm đi đến cùng đó là giải quyết tận gốc bằng cách thay đổi quan niệm của chính người dân, người hành hương và con nhang đệ tử. Chỉ khi thay đổi được tâm lý mê tín thì mọi vấn đề khác mới được giải quyết. Với “kim chỉ nam” đó, những giải pháp đến từ các chuyên gia, cơ quan chức năng đã được dành tới 1/2 thời lượng của chuyên đề. Để làm được điều này, lãnh đạo Ban Kinh tế - Pháp luật đã “triệu tập” nhóm phóng viên đến từ cả 3 mảng: Kinh tế, văn hóa, xã hội, phân chia mỗi người một mảnh để ghép vào bức tranh hoàn chỉnh. Loạt bài khi nộp dự thi đã gây được sự chú ý của ban giám khảo. Dù đề tài không mới, song, với cách khai thác đi vào chiều sâu, quan điểm chính trị xã hội rõ ràng, đi tận cùng vấn đề, trong đó đào sâu vào phần giải pháp, loạt bài đã được ban giám khảo chấm điểm cao nhất ở hạng mục Giải Ba. Đối với những phóng viên “tay ngang”, trước những “đại thụ” văn hóa trong làng báo, đó rõ ràng là một thành tích tốt. Vì vậy, hình ảnh phóng viên mang sắc phục người lính CAND được xướng danh đầu tiên trong loạt bài đoạt Giải Ba, vinh dự lên sân khấu Nhà hát Lớn nhận giải đã ghi một dấu ấn đẹp trong sự nghiệp làm báo của những người - lính - áo - xanh - cầm - bút.

Thiếu tá, nhà báo Lò Anh Hiếu thay mặt nhóm tác giả Báo CAND nhận giải B, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII, năm 2022, với loạt 5 bài: Chuyển đổi số - dấu ấn tiên phong và đột phá.

Thiếu tá, nhà báo Lò Anh Hiếu thay mặt nhóm tác giả Báo CAND nhận giải B, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII, năm 2022, với loạt 5 bài: Chuyển đổi số - dấu ấn tiên phong và đột phá.

Nhóm PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/bao-cand-voi-mot-nam-boi-thu-giai-thuong-i712246/