Báo cáo nhân quyền của EU thiếu khách quan về Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết báo cáo nhân quyền 2023 của EU đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên thông tin không chính xác về tình hình Việt Nam.
Chiều nay (6/6), tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên Đài Hà Nội đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ thế giới năm 2023 của cơ quan đối ngoại Liên minh châu Âu ngày 29/5 vừa qua có một số nội dung về tình hình thực thi quyền con người tại Việt Nam?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết báo cáo nhân quyền 2023 của EU đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên thông tin không chính xác về tình hình Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng phát biểu: "Như đã nhiều lần khẳng định bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn coi con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và của quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các quyền tự do cơ bản của con người đều được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được bảo đảm tôn trọng trên thực tế.
Các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi và đánh giá cao.Việt Nam sẵn sàng trao đổi với EU trong vấn đề quyền con người trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, nhằm tăng hiểu biết lẫn nhau thông qua cơ chế đối thoại thường niên và các khuôn khổ trao đổi song phương khác".
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, điều này sẽ giúp EU có đầy đủ thông tin khách quan, hiểu đúng hơn về tình hình bảo đảm quyền con người của Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng đã trả lời câu hỏi về việc tàu Hải Dương 26 của Hải quân Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời: "Việt Nam hết sức quan ngại, kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác nhận bởi Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Trung Quốc không tái diễn các hoạt động trái phép tương tự, tôn trọng đầy đủ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ Unclos 1982, cũng như tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC và thực hiện nghiêm túc nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, duy trì đà phát triển quan hệ song phương, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Ngoại giao cũng thông tin nữ sinh viên Việt Nam Nguyễn Bích Ngọc sinh năm 1997 mất tích tại Pháp từ cuối tháng 1/2024 đã qua đời và sẽ được đưa về nước. Đã không có điều kỳ diệu nào xảy ra. Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài làm thủ tục đăng ký công dân tại các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài để nhận được sự nhanh chóng và kịp thời trong những trường hợp khẩn cấp.