Báo chí: Hướng thiện và 'Phò chính, trừ tà'

Truyền thông đa phương tiện khiến mỗi công dân đều trở thành một nhà báo tự sản xuất tin bài, tự xuất bản và có bạn đọc riêng. Nhưng để những bài báo sống được trong lòng công chúng thì báo chí phải hướng thiện, 'Phò chính trừ tà'.

Nghề báo có từ lâu đời nhưng báo chí Cách mạng thì mới có non thế kỷ. Chính xác hơn là 99 năm, kể từ khi Lãnh tụ Hồ Chí Minh khai sinh ra tờ Báo Thanh Niên ngày 21/6/1925 với tôn chỉ mục đích rõ ràng ấy là đấu tranh để giành độc lập dân tộc.

Cùng với tôn chỉ mục đích, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh sứ mệnh của người làm báo là “Phò chính, trừ tà”, chỉ gồm 4 chữ nhưng bao quát cả sự nghiệp của những nhà báo chân chính. Trong bức thư gửi trí thức Nam bộ, trong đó có các nhà báo ngày 25/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà…”.

Về chữ Thiện, trong một lần nói chuyện với các chiến sĩ Công an, Bác nói: “Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”. Người giải thích: Tính Thiện của con người bao gồm: Lòng trắc ẩn, lòng từ nhượng (kính, nhường) và lòng thị phi (biết phải trái). Để giảm bớt lòng ham muốn và làm nhiều điều nhân nghĩa thì con người cần phải phát huy và nuôi dưỡng tâm tính thật tốt. Trái ngược với Thiện (善) là Ác (惡). Khi thân tâm được an lạc đó chính là phúc thiện.

Trong nền kinh tế thị trường, mỗi người làm báo đều phải đối mặt với công cuộc mưu sinh với bao cám dỗ về vật chất nếu không biết hướng thiện, xa rời chữ thiện thì dễ rơi vào con đường tội lỗi, tham lam, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Cũng chính vì xa rời chữ Thiện mà có không ít nhà báo hiện nay coi doanh nghiệp là đối tượng để kiếm chác, làm tiền. Họ thường tìm kiếm những sai sót của doanh nghiệp, thu thập đơn thư rồi gặp gỡ tiếp xúc mặc cả để đăng bài, gỡ bài trục lợi.

Trong cuộc chiến chống ngoại xâm vô cùng gian khổ và khốc liệt nhưng ta - địch; Chính - tà thường rõ ràng, nhưng thời của nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập để nhận diện được đâu là chính đâu là tà không phải dễ. Phải biết đâu là “chính” thì mới “phò” đúng được, vì nhiều khi giữa “chính” với “tà” không đơn giản chỉ là “trắng” và “đen”, mà còn có những điểm đan xen, những vùng “xôi đậu” lẫn lộn buộc nhà báo phải tinh tường và có tâm và tầm mới phân biệt ra được.

Trước một vụ việc phải phân định được đúng, sai, phải cân đong đo đếm được những mức độ của phải và trái, thì mới viết được bài báo đúng với tiêu chí của Bác Hồ đặt ra là “phò chính” và “trừ tà”. Nếu người viết lẫn lộn ngay từ khâu phân định, thì không mong gì họ có được những bài báo trung thực và tích cực.

Đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ tập trung quan liêu bao cấp sang thị trường thì giữa đúng và sai luôn đan xen rất khó phân định. Các chính sách của Nhà nước đều hướng tới lợi ích của nhân dân nhưng không phải vì thế mà chính sách nào cũng đúng, cũng đi vào hiện thực. Đặc biệt là không ít chính sách còn đụng chạm đến lợi ích của một bộ phận dân cư cần phải điều chỉnh sao cho hợp tình, hợp lý. Phản biện chính sách, phản biện xã hội cũng là một sứ mệnh của nhà báo chân chính. Nhưng phản biện thế nào để được chấp nhận và không vướng vào lao lý lại là một vấn đề không đơn giản.

Hơn lúc nào khác, nghề làm báo phải biết hướng thiện, phò chính trừ tà. Có như thế mới trở thành công cụ sắc bén để thay đổi xã hội, hướng xã hội đến chỗ tốt đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện ước của người lập quốc và cũng là người thầy vĩ đại của các nhà báo Việt Nam, Nhà báo Hồ Chí Minh.

Phan Hải

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bao-chi-huong-thien-va-pho-chinh-tru-ta-311755.html