Báo chí và doanh nghiệp đồng hành thúc đẩy kinh tế xanh, hướng tới Net Zero
Nhiều giải pháp được cơ quan quản lý, lãnh đạo các cơ quan báo chí, doanh nghiệp chia sẻ để phối hợp, truyền thông hiệu quả cho lộ trình chuyển đổi xanh.
Ngày 1-11, tại TP Vũng Tàu, Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net zero (Green Media Hub), thuộc Trung tâm Văn hóa, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Tài Nguyên & Môi Trường tổ chức hội thảo chuyên đề “Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững”.
Kinh tế xanh phát triển nhanh
Theo Ban tổ chức, hội thảo nhằm mang đến góc nhìn mới toàn diện, có tính chiến lược về vai trò của truyền thông trong phát triển bền vững. Từ đó đồng hành cùng các doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chính sách Bộ TN&MT cho biết tại COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ là Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Một điều đáng mừng là Việt Nam đang cải thiện về kinh tế xanh với tốc độ nhanh so với trên thế giới, khoảng 12-14%/1 năm. Tuy vậy quy mô nền kinh xanh đang còn nhỏ, năm 2020 chỉ ở mức 2%, cho đến bây giờ 4-4,5%..
PSG.TS Nguyễn Đình Thọ đã chia sẻ toàn cảnh về chính sách Phát triển bền vững hướng tới Net zero Carbon của Chính Phủ Việt Nam và những quy định mới nhất của quốc tế liên quan đến phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu mà Việt Nam cần phải tuân thủ. Ông cũng trình bày tổng quan về phát thải ròng bằng 0; thực tế triển khai những chính sách, này đến người dân, doanh nghiệp; những khó khăn khi thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.
Qua đó, ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan báo chí trong việc nâng cao, đẩy mạnh truyền thông về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh; tầm quan trọng của truyền thông những yêu cầu, tiêu chuẩn trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Arghya Mandal, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sữa TH chia sẻ câu chuyện phát triển nhà máy xanh ở Việt Nam từ kinh nghiệm của TH.
Ông Mandal cho rằng để đạt được mục tiêu Net Zero carbon với nền kinh tế phát thải thấp, phát triển bền vững thì hoạt động của các doanh nghiệp và các nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhà máy xanh và thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR)...
Báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành
Hội thảo còn có phần tọa đàm với chủ đề "Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với Phát triển bền vững".
Là doanh nghiệp tiên phong trong thực hành kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao HEINEKEN Việt Nam cho biết công ty đặt mục tiêu hướng đến tác động môi trường bằng không vào năm 2030 với các biện pháp giảm thiểu phát thải ròng, tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước.
Theo bà Ánh, HEINEKEN Việt Nam tiên phong sử dụng 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất đồng thời hoàn thành chỉ tiêu nấu bia bằng nhiệt năng sinh khối tại toàn bộ 5 nhà máy bia trên toàn quốc.
Trong khi chờ các giải pháp về năng lượng tái tạo, HEINEKEN Việt Nam đã mua các Chứng chỉ thuộc tính năng lượng (EAC) cho 100% lượng điện năng tiêu thụ tại 6 nhà máy. Toàn bộ 5 nhà máy HEINEKEN Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn "tái sử dụng - chia sẻ - sửa chữa", không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu.
Bà Ánh khẳng định, hoạt động phát triển bền vững không thể tạo ra tác động mạnh mẽ khi thực hiện một mình. Vì vậy, tất cả các doanh nghiệp cần sự chung tay và đồng hành của các bên. Các cơ quan báo chí giúp kết nối, chia sẻ các thông lệ tốt, các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ...
Theo ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp phát triển xanh bền vững với các cơ quan báo chí là mối quan hệ Win - Win.
"Các cơ quan báo chí có lợi thế là phương tiện truyền thông rất hiệu quả hiện nay. Thông qua quá trình tác nghiệp, các cơ quan báo chí có thể nắm bắt được nhu cầu của khách hàng mà đó là khách hàng của các doanh nghiệp đang phát triển bền vững đang hướng tới. Từ chỗ nắm bắt được nhu cầu đó, các cơ quan báo chí thông tin lại cho các doanh nghiệp phát triển xanh bền vững để từ đó hướng tới sự phát triển tốt hơn"- ông Mai Ngọc Phước, nhấn mạnh.
Theo ông Mai Ngọc Phước phát triển xanh, phát triển bền vững, hướng tới Net Zero đó là xu thế hiện nay của tất cả các doanh nghiệp. Đó cũng là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cùng đồng hành với các doanh nghiệp, tuyên truyền và hướng tới đưa những cách làm hay, tốt của các doanh nghiệp phát triển bền vững để đạt hiệu quả cao.
Do đó, các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ, gắn bó hơn với báo chí trong quá trình phát triển; giúp cơ quan báo chí có những thông tin đầy đủ, chính xác, hữu ích để đưa tới bạn đọc...
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ doanh nghiệp Dệt may cũng nhấn mạnh, báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển xanh bền vững.
Thông qua truyền thông, người tiêu dùng cũng sẽ thấy được trách nhiệm của mình tham gia vào quá trình này. Bởi tất cả các sản phẩm được sản xuất ra sẽ làm thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng; làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng với cả tiến trình này đó là vai trò của truyền thông. Hiện nay trong ngành dệt may, các nhà thiết kế cũng đã hướng tới thiết kế ra các sản phẩm ít sử dụng những khâu ảnh hưởng đến môi trường...
Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc Vận hành PRO Việt Nam khẳng định, truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Thời gian qua các cơ quan truyền thông đã làm tương đối tốt công tác này.
Theo bà Thanh, ngoài tuyên truyền các quy định chính sách, các cơ quan truyền thông cần khai thác sâu hơn ý nghĩa của các chính sách, các cơ hội khi thực hiện và các nguy cơ nếu không tham gia cũng như chia sẻ câu chuyện của các doanh nghiệp thành công. Để từ đó tạo cảm hứng và niềm tin cũng như để các doanh nghiệp chưa bắt đầu học hỏi kinh nghiệm và cách triển khai…
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cũng khẳng định, phát triển kinh tế xanh cần có vai trò của các cơ quan truyền thông, nhất là lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Sắp tới Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức diễn đàn về vấn đề phát triển xanh để truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngành đến các cơ quan truyền thông; tổ chức các hoạt động thực tế để từ đó khuyến khích các cơ quan báo chí định hướng, tổ chức các tuyến bài truyền thông về phát triển xanh.
Hội Nhà báo cũng sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên đề, nâng cao kiến thức về phát triển xanh cho các nhà báo chuyên viết về phát triển xanh, để có thêm kiến thức về lĩnh vực này. Từ đó có các bài viết đề xuất, giải pháp về phát triển xanh...
Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net zero (Green Media Hub) cũng dự kiến trao "Giải báo chí Xanh" lần thứ Nhất 2023 - 2025 vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Các tác phẩm dự giải có thời gian đăng tải từ 01/10/2023 đến 28/5/2024.
Giải được tổ chức nhằm góp phần tuyên truyền, truyền thông, tham vấn, phản biện chính sách, thúc đẩy thực hiện kịp thời các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 và tăng cường thực hiện chủ trương, cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính xanh, thúc đẩy thị trường carbon.
Trong chuỗi hoạt động trải nghiệm thực tế của Green Media Hub ngày 31-10 thành viên CLB đã đến thăm nhà máy bia HEINEKEN Việt Nam tại Bà Rịa- Vũng Tàu. Tại đây đại diện HEINEKEN Việt Nam đã trao đổi chủ đề "quản trị phát triển bền vững và mô hình Net Zero" giới thiệu về quá trình sản xuất hiện đại, khép kín và giảm phát thải tối đa của nhà máy có quy mô công suất lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương của HEINEKEN.
Các thành viên của Green Media Hub cũng được thăm quan trực tiếp toàn bộ dây chuyền sản xuất bia hiện đại của nhà máy. Theo đại diện HEINEKEN Việt Nam doanh nghiệp đặt mục tiêu năm 2030 là giảm phát thải về 0 (Net Zero) trong phạm vi sản xuất trực tiếp. Cụ thể là các hoạt động như sản xuất, xử lý chất thải, và quản lý năng lượng nội bộ. Đến năm 2040, HEINEKEN dự kiến đạt mức phát thải bằng 0 cho toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm cả các hoạt động liên quan đến đối tác, nhà cung cấp và phân phối sản phẩm.