Bảo đảm chính sách phát triển các thành phố 'đầu tàu' của khu vực
Sáng 31-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Bảo đảm cơ chế, chính sách cho thành phố Huế phát triển
Phát biểu thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá, trên các cơ sở lịch sử, chính trị và thực tiễn, thành phố Huế đã bảo đảm các điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời, thể hiện sự đồng tình tuyệt đối với chủ trương này, mong muốn Quốc hội sớm thông qua chủ trương để thành phố triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu được Quốc hội thông qua, thành phố Huế trực thuộc Trung ương cần được phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đề nghị, cần lượng hóa được sự đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, hạ tầng giáo dục, y tế theo kịp tốc độ đô thị hóa, bảo đảm cân bằng giữa thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, bảo tồn lịch sử, văn hóa tại Huế cần hài hòa với phát triển đô thị; phát triển bền vững tự nhiên, đa dạng sinh học, khai thác, giữ gìn đầm phá, dòng sông…
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhận định rằng, các nghị quyết hiện tại còn khá ngắn và đề xuất bổ sung các nguyên tắc từ Nghị quyết của Đảng để đưa vào Nghị quyết của Quốc hội. Theo đại biểu, bảo tồn và tôn tạo một đô thị di sản là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi nhiều nguồn lực, trong đó vấn đề tài chính là một trở ngại lớn cho các địa phương. Do đó, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ để cung cấp nguồn lực cần thiết cho các địa phương trong việc bảo tồn di sản, đồng thời, phải kết hợp phát triển kinh tế với việc giữ gìn di sản, không để ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của đô thị di sản. “Đô thị di sản có tiềm năng tạo thu nhập bền vững, chứ không phải chỉ có đô thị hóa mới mang lại lợi ích kinh tế”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (đại biểu Quốc hội Đoàn Yên Bái) cho rằng, cần có sự thay đổi từ tư duy của người nông dân, sang tư duy nhận thức của đô thị lớn, thay đổi tư duy nông nghiệp trở thành tư duy đô thị… Bên cạnh đó, cần có giải pháp mạnh tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tới đây, Trung ương, Quốc hội sẽ xem xét đánh giá lại nghị quyết và sẽ sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển của thành phố Huế trong thời gian tới, với mục tiêu để Huế hội nhập, vươn mình, mang tính dẫn dắt cho không chỉ miền Trung, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, dẫn dắt cho sự phát triển của hệ thống đô thị nước ta.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, hiện nay, biến đổi khí hậu và những vấn đề liên quan rất nhiều như nắng hạn, thâm nhập mặn… đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống. Do đó, đại biểu rất quan tâm việc bảo vệ đất rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn thành phố Huế bởi đây là những nhóm rừng rất đặc biệt, cần sự chặt chẽ khi phải chuyển đổi mục đích sử dụng đối với loại đất này.
Cần thống nhất về mô hình chính quyền đô thị
Về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, phát biểu thảo luận tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm (đại biểu Quốc hội Đoàn Hưng Yên) lưu ý, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đặc biệt là ở Hải Phòng và một số thành phố khác. Do đó, Tổng Bí thư cho rằng, cần phải rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Đại biểu Khuất Việt Dũng (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, Hải Phòng là trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thành phố đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bên cạnh đó, góp ý về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, tờ trình chưa nêu được nguyên nhân một số việc chưa làm được, như việc ban hành quy định về thuế, lệ phí… để góp phần tăng thu ngân sách, phục vụ cho phát triển thành phố Hải Phòng; đồng thời, cũng chưa chỉ rõ vì sao không làm được… Do đó, cần bổ sung các nội dung này, góp phần để thành phố phát triển trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Đoàn Cà Mau) băn khoăn về hình thức, cách thức ban hành nghị quyết này. Hiện nay, mô hình chính quyền đô thị ở nước ta đang được thực hiện theo nhiều văn bản quy định khác nhau. Việc Quốc hội ban hành nghị quyết quy định về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức mà không qua thí điểm sẽ làm tăng thêm sự thiếu thống nhất trong tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên cả nước và tình trạng không đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Hiện nay, các thành phố trực thuộc Trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian qua. Qua đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời, triển khai các chính sách mang tính phổ biến, hiệu quả để thực hiện thống nhất mô hình chính quyền đô thị trong phạm vi cả nước.