Bảo đảm quyền bình đẳng cho các dân tộc trong 'đại gia đình' Việt Nam

Đối diện với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, khoa học công nghệ, thương mại và đầu tư, một số nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam dễ bị tổn thương, có nguy cơ tụt hậu và loại khỏi quá trình phát triển.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các thế lực thù địch lợi dụng các quan hệ dân tộc xuyên biên giới, sự phổ cập của công nghệ thông tin để chính trị hóa vấn đề nhân quyền, cổ vũ cực đoan cho các quyền dân sự, chính trị như tự do lập hội, hội họp, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tình; xuyên tạc quyền dân tộc tự quyết, kích động chủ nghĩa ly khai, thù địch, bạo lực, phá hoại nguyên tắc pháp quyền và quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc...

Bên cạnh đó, thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu cùng với nhiều loại dịch bệnh đã và đang gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi (DTTS&MN), đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư lớn của cả hệ thống chính trị để khắc phục.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Người DTTS được hưởng toàn bộ các quyền con người, quyền công dân của nước CHXHCN Việt Nam, ngoài ra còn được hưởng những quyền ưu tiên đặc thù theo quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

Những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách phù hợp với các quy định trong luật pháp quốc tế; huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc; giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS.

Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 65-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới, hay việc Quốc hội phê duyệt đề án và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 là luồng sinh khí mới cho thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong 10 năm tới.

Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982 và đã bốn lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Năm 2023, Việt Nam dự kiến sẽ bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD lần thứ 5. Với vai trò là thành viên Công ước CERD, Việt Nam thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Công ước trong cả nước nói chung và vùng DTTS&MN nói riêng; tăng cường vai trò giám sát của người dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội.

Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quốc tế về thực thi Công ước để chia sẻ các kinh nghiệm và các bài học quốc tế trong việc bảo đảm quyền cho người DTTS và người nước ngoài tại Việt Nam.

Qua đó, Việt Nam đã tỏ rõ nỗ lực và cam kết của mình trong việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc. Đây cũng chính là thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc trong “đại gia đình” Việt Nam.

Nhã Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-dam-quyen-binh-dang-cho-cac-dan-toc-trong-dai-gia-dinh-viet-nam-208151.html