Bảo đảm thống nhất, công bằng trong công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân

Chiều 18.6, thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Tổ 11 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận, các đại biểu đề nghị cần rà soát, bảo đảm thống nhất, công bằng trong công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân để phát huy được tài năng và cống hiến của nghệ nhân.

Các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa; đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa.

Cùng với đó, việc sửa đổi toàn diện Luật cũng giúp khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa năm 2001 và 15 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, như: một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong luật.

Một số luật có sự đan xen với Luật Di sản văn hóa như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp… đã được sửa đổi, bổ sung có quy định liên quan đến di sản văn hóa cần được quy định trong Luật Di sản văn hóa bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật; các Công ước quốc tế, Chương trình có liên quan đến di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên cần nội luật hóa.

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận )

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận )

Theo ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận ), việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa là cần thiết, nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, tại Điểm d, Khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật quy định nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được hưởng trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết là chưa rõ, còn khá chung chung và khó bảo đảm tính khả thi.

"Dự thảo Luật không ghi rõ hỗ trợ hàng tháng bao nhiêu, trong khi nguồn lực ngân sách mỗi địa phương khác nhau nên quy định thế này rất khó trong quá trình thực hiện". Do đó, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị rà soát, đánh giá tác động và tính khả thi của chính sách này, tránh tình trạng Luật quy định nhưng áp dụng vào cuộc sống lại không thực hiện được.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên)

Cũng đề cập đến chính sách đối với nghệ nhân quy định tại Điều 13, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu thực tế, hiện nay việc xét tặng danh hiệu, hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể quy định tại 2 Nghị định của Chính phủ và giao 2 Bộ phụ trách là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Công Thương xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Tuy nhiên, quy định về đối tượng, tiêu chí xét tặng, quy trình, thủ tục xét tặng tại 2 nghị định chưa phân định rõ ràng. Do đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị nghiên cứu có quy định khắc phục bất cập, bảo đảm thống nhất, công bằng trong công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân để phát huy được tài năng và cống hiến của nghệ nhân.

Tin và ảnh: Quang Khánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/bao-dam-thong-nhat-cong-bang-trong-cong-nhan-ho-tro-doi-voi-nghe-nhan-i376098/