Bảo đảm tính khả thi, thực tiễn của quy định về điều kiện hỗ trợ mua nhà ở xã hội

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định, các công nhân, người lao động, công chức, viên chức để được hỗ trợ mua, thuê nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nhiều đại biểu dự Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định này không phù hợp với điều kiện thực tiễn và khó khả thi.

Thay đổi điều kiện được hỗ trợ mua, thuê nhà ở xã hội

Quy định về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 75 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được đưa ra trên cơ sở kế thừa quy định liên quan tại Luật hiện hành. Song, một trong những điểm khác biệt của dự thảo Luật là tại Điều 75 đã quy định, công nhân, người lao động, công chức, viên chức để được mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 51 của Luật Nhà ở hiện hành, thì các đối tượng nêu trên để được mua, thuê mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh

Như vậy, một quy định mang tính định tính, khó xác định tại Luật hiện hành đã được nghiên cứu, sửa đổi để chuyển sang một điều kiện dứt khoát, dễ áp dụng hơn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự Phiên họp cho rằng, đây là một quy định chưa hợp lý, khó khả thi.

Từ thực tiễn thu nhập của công nhân, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 75 của dự thảo Luật dường như có vẻ sẽ “ép” công chức, viên chức, công nhân và người lao động, công nhân có thu nhập vừa đủ để nuôi gia đình sẽ vô cùng khó khăn để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nêu ví dụ, ngay với công chức, viên chức của TP. Hồ Chí Minh - vốn thuộc nhóm được hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, thì cũng khó để hưởng chính sách này. Bởi, theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, thì công chức, viên chức trên địa bàn thành phố được hưởng chính sách thu nhập tăng thêm, nên đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân. “Họ đang cần được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê nhà ở xã hội, nhưng nếu cơ quan chủ trì soạn thảo không nghiên cứu lại điều kiện được áp dụng, thì toàn bộ công chức, viên chức của thành phố đều... thua rồi”, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy thẳng thắn.

Công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp hiện phải làm việc vất vả và làm thêm mới có thể trang trải cho nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Để có thể thực hiện được yêu cầu nêu trên họ cũng chắc chắn có mức thu nhập thuộc nhóm phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Mức đóng của công chức, viên chức và công nhân khoảng vài chục nghìn đồng/tháng, một năm khoảng 1 - 2 triệu đồng, nhưng vẫn phải ở mức thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân mới đủ điều kiện trang trải cuộc sống. Đưa ra thực tế này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị, quy định về điều kiện được hưởng hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội tại Điều 75 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) phải tính lại, cần xem xét điều kiện thực tiễn để đưa ra điều kiện phù hợp và có thể áp dụng được.

Phân tích vấn đề từ tính chất của thuế thu nhập cá nhân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Anh Tuấn lưu ý, loại thuế này của nước ta được đưa ra bám sát nguyên tắc bảo đảm tất cả cá nhân có thu nhập đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân - là nguyên tắc được áp dụng chung trên thế giới. Tất nhiên, việc thu thuế thu nhập cá nhân không áp dụng với những cá nhân có thu nhập rất thấp, song cũng không phải là thuế với thu nhập cao. Do vậy, Ủy viên Thường trực Vũ Anh Tuấn cho rằng, Ban soạn thảo cần đưa ra tiêu chí khác, không nên lấy tiêu chí “phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân” như quy định tại Điều 75 dự thảo Luật hiện nay.

Làm rõ nội dung “chưa có nhà ở, đất ở thuộc sở hữu của mình”

Cũng theo quy định tại Điều 75, dự thảo Luật, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở; hộ gia đình nghèo, cận nghèo và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; công nhân, người lao động, công chức, viên chức; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải chưa có nhà ở, đất ở thuộc sở hữu của mình. Ngoài ra, các nhóm đối tượng này cũng phải chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống và làm việc. Hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Đối với quy định nêu trên, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng, cần làm rõ nội dung “chưa có nhà ở, đất ở thuộc sở hữu của mình”. Bởi, thực tế triển khai thực hiện ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Giang đang vướng mắc khi xét duyệt các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bởi các đối tượng đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội đều trong hộ khẩu với bố mẹ đã có "sổ đỏ" của gia đình. Khi đến bước thẩm định cho vay theo mẫu tại Thông tư số 09/2021 của Bộ Xây dựng thì lại có điều kiện “chưa có nhà ở, đất ở của hộ gia đình”. Các cán bộ thẩm định tín dụng của ngân hàng chính sách về cho vay vì thế sẽ không chấp thuận cho vay vốn với nhóm đối tượng này.

Cũng liên quan đến đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, một số thành viên Ủy ban Pháp luật lưu ý, để bảo đảm quy định được đủ đối tượng cần thiết được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội thì cần bổ sung “công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp”, bên cạnh các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được quy định tại Điều 73 của dự thảo Luật. Theo phân tích của ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), cùng với khu công nghiệp, ở một số địa phương, số lượng các cụm công nghiệp đã và đang tăng lên trong những năm gần đây. Khu công nghiệp và cụm công nghiệp chỉ khác nhau ở quy mô, về tính chất đều là các khu vực được xác định riêng để thực hiện chức năng sản xuất. Do vậy, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị, công nhân và người lao động làm việc trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều cần được hỗ trợ như nhau trong các lĩnh vực, kể cả nhu cầu nhà ở.

Chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội chỉ là một trong số rất nhiều chính sách được sửa đổi lần này trong Luật Nhà ở hiện hành. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là dự luật lớn, khó, có nội dung liên quan đến nhiều quy định của các luật khác, cũng như liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích người dân, hoạt động doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, điều này đòi hỏi cơ quan chức năng sẽ phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm chất lượng cao nhất khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-tinh-kha-thi-thuc-tien-cua-quy-dinh-ve-dieu-kien-ho-tro-mua-nha-o-xa-hoi-i325582/