Báo động nạn câu like kiếm tiền bẩn trên mạng xã hội - Bài 1: Kền kền ảo, kiếm tiền thật!
Nạn câu like kiếm tiền bẩn trên mạng xã hội đáng báo động. Xuất hiện những kền kền chuyên đăng tải, chia sẻ những nội dung bẩn, bất chấp pháp luật và đạo lý.
Ông chủ đứng sau 60giay.com - Theanh28 nói gì?
Thông tin "Thiếu tướng chạy Grab" đăng trên kênh Theanh28 là bịa đặt
Cần xử lý nghiêm những quảng cáo phản cảm gây xôn xao mạng xã hội
TikTok đã chặn, gỡ bỏ 407 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật
Câu like, kiếm tiền bẩn trên cả...người đã khuất
Lượng tương tác của các hội, nhóm, trang, kênh… trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới càng cao thì giá trị của kênh sẽ càng lớn, tỷ lệ thuận với lợi nhuận thu được.
Theo tìm hiểu bước đầu của phóng viên Báo Công Thương, giá nhận quảng cáo cho mỗi lần đăng tải dao động từ vài triệu đồng tới vài chục triệu đồng cho một bài. Cá biệt, một số trang của các nghệ sĩ nổi tiếng có giá nhận quảng cáo lên tới hàng trăm triệu đồng cho một bài quảng cáo.
Cụ thể, trên nền tảng mạng xã hội Tiktok, ví dụ như kênh “60giay.com” hiện có 6 triệu lượt theo dõi (follow). Theo một bản báo giá phóng viên thu thập, để quảng cáo trên kênh này, một nhãn hàng phải bỏ ra số tiền lên tới 20 triệu đồng/clip quảng cáo; đối với cá nhân thì con số này lên tới 25 triệu đồng/clip quảng cáo. Kênh “Kiến thức kinh tế” với hơn 330 nghìn follow có giá mềm hơn, song theo báo giá, giá cho một clip quảng cáo đối với nhãn hàng cũng lên tới 3 triệu đồng.
Trên nền tảng mạng xã hội Facebook, trang “Theanh 28 Intertainment” đình đám với hơn 11 triệu follow báo giá lên tới 35 triệu đồng một bài quảng cáo cho cá nhân; chia sẻ đường link là 23 triệu đồng. Group “Cafe đường phố” với gần 1 triệu thành viên báo giá 7 triệu đồng để đăng ảnh/video trực tiếp; phát trực tiếp là 7 triệu đồng; hỗ trợ nội dung là 3 triệu đồng.
Chính vì khoản lợi nhuận khổng lồ thu được từ quảng cáo như vậy, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh trên phương tiện truyền thông mạng xã hội đã phát triển kênh, hội, nhóm, trang… bằng những nội dung bẩn, độc hại, thông tin sai sự thật, hoặc dẫn dắt dư luận hiểu sai bản chất một sự việc, bất chấp pháp luật và đạo lý.
Đơn cử như chiều 2/7, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khiến 2 người tử vong, trong đó có một thai phụ, vụ việc đã ngay lập tức trở thành “miếng mồi” cho không ít tổ chức, cá nhân kinh doanh trên phương tiện truyền thông mạng xã hội lợi dụng để câu view, câu like.
Nhóm “Cafe đường phố” với gần 1 triệu thành viên trên nền tảng mạng xã hội Facebook nói trên là một điển hình. Theo ghi nhận, trong một ngày, quản trị viên nhóm này đã trực tiếp đăng tải và phê duyệt nhiều bài viết về vụ tai nạn thương tâm này với sự hả hê, ngôn từ xỉa xói, thêm một lần cứa sâu vào nỗi đau của gia đình nạn nhân – những người cha, người mẹ đang đau buồn tột cùng vì sự ra đi đột ngột của người con trai mới chỉ ở tuổi 15.
Cụ thể, trong một bài do quản trị viên nhóm này trực tiếp đăng tải, đã viết thế này: “…mong gia đình em nếu 49, 100 ngày hoặc giỗ đầu, xin đừng tùy tiện đốt mã xe phân khối lớn hoặc siêu xe cho em. Bởi ở trần gian em đã gây biến cố, sợ rằng có siêu xe xuống dưới đấy em lại tiếp tục đam mê thì lại khổ các vong hồn dưới địa phủ…”.
Trên trang “Không sợ chó” với hơn 3 triệu lượt theo dõi cũng sử dụng những ngôn từ câu like rẻ tiền không thể chấp nhận khi thông tin về sự việc này, kiểu: “Cháu nó ở nhà ngoan lắm…”.
Từ sự vô đạo đức, bất nhân của quản trị viên 2 nhóm, đã dẫn dắt sự việc theo hướng tiêu cực, ở dưới phần bình luận nhiều người dùng mạng xã hội tiếp tục hùa theo, bình phẩm với những ngôn từ tục tĩu, cay nghiệt. Song, quản trị viên 2 nhóm này cũng không hề kiểm soát và gỡ xuống.
Trên nhóm “Khóc thuê” với gần 500 nghìn thành viên thì thường xuyên đăng tải, phê duyệt, dẫn những thông tin chưa kiểm chứng, công kích đời tư cá nhân người khác để câu view, câu like. Nghiêm trọng hơn, nhóm này còn đăng tải, phê duyệt, dẫn các bài công kích, xúc phạm uy tín, danh dự người khác kèm hình ảnh cá nhân; thậm chí còn công khai danh tính, địa chỉ nơi công tác của nạn nhân, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Có thể chỉ ra như ngày 30/5/2023, trên nhóm này phê duyệt bài của một tài khoản ảo có tên N.T.N, với nội dung: “Mẹ chồng cấm con trai không được yêu vợ hơn mẹ, không được thể hiện tình cảm quá đà với vợ…” và gọi đó là kiếp nạn lấy chồng, kiếp nạn làm dâu. Dưới bài đăng là hình ảnh cá nhân của một số người trong câu chuyện. Dù sự việc chưa biết đúng sai thế nào, song những nạn nhân trong câu chuyện đã nhận mưa gạch đá từ cộng đồng mạng với hơn 1.900 bình luận trong 6 ngày…
Chế nhạc, "rửa nguồn", bịa tin
Chiều 3/7, nguồn tin của phóng viên Báo Công Thương cho biết, cơ quan chức năng Bộ Công an đang tiến hành xác minh, làm rõ kênh "Theanh28 giải trí kinh tế" trên nền tảng mạng xã hội Tiktok đăng thông tin bịa đặt “Thiếu tướng Quân đội chạy Grab”.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2023, kênh "Theanh28 giải trí kinh tế" đã đăng tải một clip với tiêu đề: "Thiếu tướng 72 tuổi dù đã về hưu và nhận lương 20 triệu/tháng nhưng vẫn miệt mài chạy Grab vì vợ bị tai biến còn con bị chất độc da cam".
Trong video, người đàn ông cho biết tên là Nguyễn Mạnh Hùng. "Tôi ở Quân đoàn 9. Tôi làm dân vận ở Gia Định - Sài Gòn. Sau này chuyển về làm Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Đắk Lắk. Tôi được 5 bằng dũng sĩ, 1 bằng xe cơ giới", người đàn ông nói. Cũng theo lời người đàn ông này, trước khi nghỉ ông giữ quân hàm Đại tá, được hưởng lương Thiếu tướng khi về hưu. Theo đó, mức lương hiện là 16,8 triệu đồng và 6 triệu đồng tiền chất độc da cam, tổng là 22,8 triệu đồng...
Vẫn theo chia sẻ của người đàn ông trong clip: Khi ở nhà phải chứng kiến cảnh vợ tai biến, con thì bị chất độc da cam nên cũng buồn. Do đó, đi làm xe ôm thì ông cảm thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt...
Liên quan tới vụ việc này, Đại tá Lê Mỹ Danh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk khẳng định, trong lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk không có ai ở vị trí ấy tên Nguyễn Mạnh Hùng. Thông tin trên mạng xã hội đang lan truyền là bịa đặt.
Một sự việc khác gây bức xúc dư luận là bản nhạc rap chế bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu với hashtag “Chubeloatchoat” do 2see thực hiện và DJ FWIN phối nhạc được đăng tải vào cuối tháng 4/2023 vừa qua. Bản phối nhạc đạt 25 triệu lượt xem trong 3 ngày trên nền tảng Tiktok thay vì ca ngợi chú bé Lượm, đã xuyên tạc nội dung bài thơ, làm mất đi hình ảnh chú bé liên lạc tinh nghịch, giàu lòng yêu nước, gắn liền với nhiều thế hệ học sinh…
Ngoài những sự việc trên, trên các nền tảng mạng xã hội Tiktok, Facebook… còn nổi lên hiện tượng “rửa nguồn” thông tin. Cụ thể, theo giới thiệu trên 60giay.com, đây là trang tin điện tử tổng hợp, được Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội cấp phép vào tháng 1/2023. Khảo sát trên trang này cho thấy, phần lớn tin được dẫn nguồn từ một tạp chí. Tuy nhiên, trên nền tảng mạng xã hội Tiktok, Facebook, rất nhiều trang, kênh, nhóm… trong hệ sinh thái của 28 Group lại ghi nguồn và đóng logo 60giay.com.
Ngày 30/6, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu tiên tổ chức được một cuộc kiểm tra toàn diện đối với một nền tảng xuyên biên giới lớn tại Việt Nam, là TikTok.
"Nhiều Bộ, ban, ngành cùng vào cuộc kiểm tra, chia sẻ trách nhiệm quản lý nền tảng xuyên biên giới. Đây cũng là lần đầu Việt Nam buộc một nền tảng xuyên biên giới ký thừa nhận sai phạm và có biện pháp khắc phục cụ thể", ông Lê Quang Tự Do nói và cho hay, hiện nay đoàn kiểm tra đang thực hiện các bước cuối và tháng 7 sẽ công bố.