Báo động: Thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ
Thuốc lá điện tử dù mới xuất hiện trên thị trường và chưa được phép lưu hành nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã ở mức cao hơn tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống. Điều này các chuyên gia cho rằng, đáng báo động.
Cập nhật tình hình về hoạt động và một số vấn đề ưu tiên trong phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, các chuyên gia nhận định, bên cạnh những điều đạt được thì vẫn còn tình trạng rất đáng báo động.
Cụ thể, thuốc lá điện tử dù mới xuất hiện trên thị trường và chưa được phép lưu hành nhưng tỷ lệ sử dụng đã ở mức cao hơn tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống ở cả thanh niên nam và nữ.
Ông Lê Thanh Hải - Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá chia sẻ, sau gần 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, và sự hỗ trợ Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, các tổ chức quốc tế, các Bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tích cực và đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong toàn quốc giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020, trong đó nam giới là từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020 và tiếp tục giảm xuống 38,9% năm 2022.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 13 - 15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.
Tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng: Trong 5 năm (từ 2015 - 2020) tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020; 90% người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá khi đến cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, tình hình khác rất đáng báo động là thuốc lá điện tử dù mới xuất hiện trên thị trường và chưa được phép lưu hành nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã ở mức cao hơn tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống ở giới trẻ.
Thạc sĩ Đào Thế Sơn - Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu cho biết, theo điều tra tại 34 tỉnh năm 2020: tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 với tỷ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 (3,2%), 45 - 64 (1,4%).
Theo Điều tra của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%; năm 2022 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 - 15 là 3,5%.
Theo thống kê, chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể.
Các chuyên gia lo ngại, những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.
“Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ”, thạc sĩ Đào Thế Sơn nhấn mạnh.
Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên - Đại diện tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đã kết luận, tất cả các loại thuốc lá đều độc hại bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
"Không có bằng chứng nào chứng minh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường. Chính vì vậy, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo, bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên.
Cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, thạc sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên nói.