Bão giá xăng dầu 'tấn công' doanh nghiệp

Giá xăng dầu liên tục thiết lập mức kỷ lục mới và đang ở mức cao nhất trong lịch sử khiến người dân lẫn doanh nghiệp lao đao.

Ngày 13-6 vừa qua, giá xăng E5 tiếp tục tăng vọt lên mức hơn 31.000 đồng/lít, xăng A95 lên 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng tăng rất cao 2.490-2.630 đồng/lít, đẩy giá bán dầu diesel lên mức 29.020 đồng/lít.

Giá xăng dầu leo thang đã tác động rất lớn đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các hãng xe đang gặp không ít khó khăn do giá xăng dầu liên tiếp xô đổ mọi kỷ lục. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các hãng xe đang gặp không ít khó khăn do giá xăng dầu liên tiếp xô đổ mọi kỷ lục. Ảnh: HOÀNG GIANG

Khó khăn chồng chất

Lo lắng trước thông tin giá xăng dầu dồn dập tăng cao, ông Nguyễn Thành Nam, tài xế một hãng xe công nghệ tại TP.HCM, nói: “Kiểu này chắc tôi phải chạy cả ngày lẫn đêm may ra mới lo đủ nồi cơm cho gia đình”.

Ông Nam tính toán trung bình mỗi ngày ông thu được khoảng 800.000 đồng từ chạy xe. Trong đó phải trừ đi số tiền khấu trừ cho hãng khoảng 26% (tương đương 200.000 đồng), tiền xăng mỗi ngày đổ khoảng 120.000 đồng, tiền ăn uống hết sức tiết kiệm hết khoảng 80.000 đồng. Như vậy, nếu trước đây sau khi trừ mọi chi phí, ông Nam tiết kiệm được khoảng 400.000 đồng thì bây giờ giảm chỉ còn khoảng 300.000 đồng/ngày.

“Xăng tăng giá như vũ bão, trước đổ 120.000 đồng/ngày thì nay phải đổ 160.000-180.000 đồng; tiền ăn uống hằng ngày cũng tăng cao do giá mặt hàng nào cũng leo dốc. Vì vậy với 300.000 đồng thu được mỗi ngày thì làm sao tôi nuôi con ăn học, trả tiền phòng trọ... Xăng tăng giá khiến nồi cơm của gia đình tôi teo tóp dần. Đó là chưa kể hãng tăng giá cước nên khách đi xe ít hơn trước” - ông Nam thở dài.

Các doanh nghiệp nên đẩy mạnh liên doanh, liên kết để tận dụng lợi thế của nhau nhằm tiết giảm chi phí xăng dầu.

Các doanh nghiệp cũng đau đầu vì “cơn bão” tăng giá xăng dầu. Ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương (Vinasun), nhìn nhận giá xăng dầu tăng đã tác động trực tiếp đến giá thành, đến tài xế và hoạt động kinh doanh của công ty lẫn khách hàng... Điều này buộc công ty phải gồng mình chịu đựng.

“Chúng tôi cố gắng hỗ trợ 1%-3% doanh thu để đồng hành, an ủi tài xế vượt qua khó khăn. Mới đây, giá xăng dầu lại tiếp tục leo lên đỉnh mới nhưng chúng tôi chưa tính toán việc có tăng giá cước hay không, có hỗ trợ tài xế nữa hay không vì còn phải bàn bạc nhiều. Bởi nếu chúng tôi tăng giá cước sẽ dẫn tới tăng giá dây chuyền” - ông Tạ Long Hỷ nhấn mạnh.

Tương tự, ông Quách Hôn, đại diện Công ty Vận tải Tuyết Hon (chạy tuyến TP.HCM - Kiên Giang), cho biết tại thời điểm giá dầu 23.000 đồng/lít, công ty thu giá vé 160.000 đồng/vé. Sau đó, giá dầu tiếp tục tăng nhiều lần lên mức gần 25.000 đồng, buộc hãng phải xin tăng giá vé lên 180.000 đồng/vé.

Đến nay, giá dầu lại leo lên đến 29.000 đồng/lít, tác động mạnh đến các đơn vị vận tải từ lớn đến nhỏ. Tuy nhiên, tại thời điểm này công ty chưa dám tăng phí, dù chi phí vận hành một chuyến xe đã tăng thêm đến 1,8 triệu đồng. Với chi phí như trên, hiện công ty chỉ còn hòa hoặc lỗ.

“Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải chọn phương án giữ nguyên số chuyến, giữ giá vé 180.000 đồng để giữ chân khách hàng và duy trì tuyến. Chúng tôi dự tính tăng giá vé, song cũng còn phải tính toán, cân nhắc kỹ” - ông Quách Hôn chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh đánh giá: Chế biến thủy sản cũng là lĩnh vực chịu tác động mạnh từ giá xăng dầu, bởi nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu phụ thuộc vào đánh bắt ngoài khơi. Giá xăng dầu tăng cao khiến ngư dân không dám ra khơi đánh bắt, do lỗ tiền dầu. Khi ngư dân giảm đánh bắt thì nguồn cung nguyên liệu chế biến thủy sản bị giảm sút.

Malaysia không bán xăng
13.000 đồng cho Việt Nam

Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương làm rõ thông tin giá xăng và thông tin Malaysia đồng ý xuất khẩu xăng RON95 sang Việt Nam. Cụ thể, do được trợ giá nên giá xăng dầu tại Malaysia tương đối ổn định. Xăng RON95 có giá 2,05 ringgit/lít và dầu diesel có giá 2,15 ringgit/lít, tương đương 11.000-13.000 đồng/lít.

Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia khẳng định đây là giá bán nội địa có trợ giá, không phải là giá xuất khẩu và không phải là giá do phía Malaysia đề xuất cho Việt Nam.

Trước đó, tại một hội thảo diễn ra ngày 2-6, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia cho biết cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp Việt nhập khẩu xăng dầu của Malaysia để ổn định thị trường trong nước. Hai bên đang đàm phán để xuất xăng RON95 sang Việt Nam.

AN HIỀN

Dứt khoát bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, phân tích: Trước đây xăng dầu chiếm khoảng 35%-40% chi phí thì nay chiếm tới 45%-50%. Chính vì vậy, việc tăng giá xăng dầu tiếp tục gây thêm khó khăn cho các đơn vị vận tải, đặc biệt vận tải hành khách.

“Nhiều người nói giá xăng tăng thì các hãng vận tải tăng giá cước. Nhưng tăng cước rồi khách có tăng không hay giảm mạnh? Hơn nữa để điều chỉnh tăng giá cước phải gửi hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định, mất nhiều thời gian” - ông Liên nói.

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Liên, để giảm giá xăng chỉ mong cơ quan quản lý nhà nước tính toán giảm các loại thuế, phí. Cụ thể, Nhà nước cần giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể cắt giảm các loại phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho rằng xăng dầu là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân và nhà kinh doanh. Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, cho nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là không hợp lý. Vì vậy Nhà nước cần dứt khoát bỏ đánh loại thuế này với xăng.•

Giá xăng dầu đang ở mức cao kỷ lục. Ảnh: PHI HÙNG

Giá xăng dầu đang ở mức cao kỷ lục. Ảnh: PHI HÙNG

Dự kiến đề xuất giảm tối đa thuế môi trường

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết bộ đang dự kiến đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát.

Trước đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 50%, còn 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng với dầu diesel, madut, dầu nhờn (chưa VAT).

Bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, tại phiên chất vấn ở Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… trong bối cảnh giá xăng dầu liên tiếp lập kỷ lục mới. Đáp lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cam kết sẽ tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét giảm thêm thuế với mặt hàng này.

Nên miễn giảm thuế, phí xăng dầu 3-6 tháng

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng: Giải pháp giảm thuế và phí để giảm đà tăng của giá xăng dầu là cần thiết, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài bản thân các nhà kinh doanh phải mạnh dạn tái cơ cấu sản xuất để hạn chế chi phí sử dụng nhiên liệu từ xăng dầu.

“Trong đó cần thay đổi quy trình sản xuất, máy móc, công nghệ, đặc biệt là tận dụng những công nghệ ít sử dụng tiêu hao năng lượng” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng Quốc hội có thể cân nhắc miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… 3-6 tháng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, với giá xăng đang cao hơn 32.000 đồng/lít như hiện nay thì sau khi giảm thuế, giá xăng vẫn ở mức cao.

Vì vậy, bên cạnh giảm thuế, phí thì người dân và nhà kinh doanh cần nỗ lực tiết kiệm nhiên liệu. Ví dụ có thể chuyển qua sử dụng năng lượng khác tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Đồng thời, các doanh nghiệp tính toán phương án vận chuyển hai chiều để không lãng phí; đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh liên doanh, liên kết để tận dụng lợi thế của nhau nhằm tiết giảm chi phí xăng dầu.

QUANG HUY - ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-gia-xang-dau-tan-cong-doanh-nghiep-post684644.html