Những bước tiến trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2022-2025. Với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 1.734 tỷ đồng, tỉnh đã tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như hạ tầng, giáo dục, y tế, văn hóa, nhằm nâng cao đời sống và tạo điều kiện phát triển cho đồng bào DTTS.

Bà con DTTS ở vùng sâu nay cũng đã bắt đầu học trồng dâu, nuôi tằm và bán kén tằm cho công ty sản xuất tơ lụa

Bà con DTTS ở vùng sâu nay cũng đã bắt đầu học trồng dâu, nuôi tằm và bán kén tằm cho công ty sản xuất tơ lụa

HẠ TẦNG ĐƯỢC CẢI THIỆN RÕ RỆT

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông. Hơn 500 công trình đường giao thông tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa đã được xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Lĩnh vực giáo dục cũng luôn được tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. Chương trình đã hỗ trợ xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất cho 8 trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, đồng thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh DTTS như cấp học bổng, tổ chức các lớp học bồi dưỡng.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như khảo sát, kiểm kê di sản văn hóa, bảo tồn trang phục truyền thống, tổ chức các lớp dạy diễn tấu nhạc cụ dân tộc, lễ hội truyền thống.

TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ SẢN XUẤT VÀ NÂNG CAO THU NHẬP

Triển khai chương trình này, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các chính sách về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tín dụng để chuyển đổi nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và hội thảo đầu bờ được triển khai thực hiện, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.

Thống kê của cơ quan chức năng, đã có khoảng 1.098 hộ đã được vay vốn theo Quyết định 1719/QĐ-TTg, 380 hộ được vay theo Quyết định 2085/QĐ-TTg; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 12.137 lượt hộ từ nguồn vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ các Quyết định 1719/QĐ-TTg và 2085/QĐ-TTg, cùng với sự hỗ trợ từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bộ mặt nông thôn vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Nhiều hộ dân đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, như: rau, hoa, cà phê, chè, sầu riêng, cây ăn quả, dâu tằm...; chăn nuôi gia súc (bò sữa, bò thịt, heo), gia cầm, cá… đã hình thành và phát triển mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao, nhất là tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, TP Đà Lạt,...; sản lượng, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp năm sau tăng hơn năm trước. Các vùng chuyên canh phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập của người dân cũng tăng lên, đời sống được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần giải quyết để đạt được mục tiêu phát triển bền vững như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách hỗ trợ để triển khai hiệu quả cao hơn; đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202411/nhung-buoc-tien-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dtts-d1e28b0/