Quốc hội thảo luận việc sửa đổi Luật Điện lực
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Luật Điện lực lần này sửa đổi căn bản những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tế, kể cả vấn đề chế tài đối với các nhà đầu tư chậm tiến độ.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần vào các năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024), sau gần 20 năm triển khai thi hành đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực, Chính phủ trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn, bao gồm:
Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.
Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Thảo luận tại tổ vào chiều 26/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trước đòi hỏi cấp bách về tăng trưởng điện năng theo quy hoạch, đến năm 2030 (tức là còn hơn 5 năm nữa) phải đầu tư gấp hai lần số tổng công suất toàn hệ thống hiện nay. Hiện nay, tổng công suất gần 80.000MW trong khi vào năm 2030 phải đạt tối thiểu là 150.524MW, tức là gần gấp hai lần tổng công suất hiện nay. Đến năm 2050, tức là còn 25 năm nữa, phải đạt gấp 5 lần hiện nay, tương đương với mức 530.000 MW trên phạm vi toàn quốc.
Việc phát triển nguồn điện lớn đòi hỏi phải có những cơ chế bảo đảm, thông thoáng. Đồng thời, phải phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi mạnh những nguồn điện có nguồn gốc hóa thạch từ than cho đến điện khí.
“Luật Điện lực lần này sửa đổi căn bản những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tế, kể cả vấn đề chế tài đối với các nhà đầu tư chậm tiến độ,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/quoc-hoi-thao-luan-viec-sua-doi-luat-dien-luc-35373.html