Bao giờ con lớn?
Đó là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều bậc cha mẹ khi con cái đã 'thành thân' nhưng chưa 'thành nhân' theo nghĩa thiếu khả năng sống độc lập. 'Con cái mãi mãi là trẻ con', ấy là cách nói vui, bày tỏ tình cảm yêu thương của cha mẹ, nhưng không thể vận vào cuộc sống muôn màu của mỗi cá nhân. Vòng tay cha mẹ không thể bao bọc con suốt cuộc đời.
Chị C. là con gái đầu trong gia đình có người mẹ nhanh nhẹn, đảm đang. Nghề buôn nông sản “mua tận gốc, bán tận ngọn” đã giúp bà lo được cho cái tổ ấm “năm con với một chồng”.
Lẽ thường, con gái giống nết mẹ, nhất là con gái đầu lòng. Tuy nhiên, với C. thì hoàn toàn ngược lại. Khi còn nhỏ, mọi việc gia đình, mẹ chị C. lo toan hết. Lớn lên, C. chỉ biết “lãnh đạo” hai cô em gái phụ mẹ việc bếp núc, cửa nhà chứ chẳng mấy khi động tay. Đến khi về nhà chồng, dù cố “gồng mình”, chị cũng chỉ làm dâu được có 3 tháng và cũng không ít lần bị mẹ chồng chê trách là “đoảng”! Sau đó, chị thuyết phục chồng tìm “giải pháp an toàn” bằng cách xin phép thuê nhà ở riêng.
Tưởng thế là yên lành. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, anh chồng phải dậy sớm đi chợ, trưa về vào bếp nấu ăn, rửa bát, giặt giũ…, họ phải tìm đến giải pháp cơm hộp. Cơm hộp mãi cũng chán, đến bữa, hai vợ chồng kéo nhau về nhà ngoại. Thời gian tiếp sau, ai về nhà nấy cơm nước như thuở còn độc thân. Chưa dám sinh con vì ngại khổ, C. lại không có việc làm vì… không chịu được sự quản lý, ràng buộc của tổ chức. Cuộc hôn nhân của họ kéo thêm chẳng được bao lâu thì “anh đi đường anh, đường em” trước sự đắng ngắt xót xa của cha mẹ đôi bên.
Trong khi có những người phụ nữ thích “mãi là cô bé” đã khó có thể bao biện rằng ấy là đặc trưng giới tính thì việc “những đứa trẻ” trong thân xác đàn ông lại càng không thể chấp nhận. Khi lớn lên, T. rất thu hút phụ nữ bởi tầm vóc, cách nói chuyện và biết... ga lăng. Nhờ thế, tuy năng lực không vượt lên cô bạn gái cùng trường đại học vừa xinh đẹp lại giỏi giang nhưng T. đã chinh phục được. Sau đó, họ trở thành chồng vợ.
Trong thời gian chung sống, vợ T. cay đắng nhận ra chồng mình thiếu phẩm chất của một trụ cột gia đình. Việc kiếm được tiền nuôi sống gia đình, vợ đóng vai trò chính còn có thể chấp nhận trong xã hội hiện đại. Thế nhưng bất cứ việc lớn nhỏ khác từ tìm trường cho con học mầm non cho đến thay chiếc bóng đèn, mang chiếc ti vi bị hỏng đi chữa... cũng đều “nhường” hết cho... vợ. Những khi gia đình có việc gì rối thì y như rằng, T. bấn lên, gọi vợ giải quyết. Tìm hiểu nguyên nhân mới biết, T. được gia đình quá nuông chiều từ bé. Do đó, khi lập gia đình, đối diện với vấn đề cụ thể thì không biết xoay xở thế nào.
Chính vì sự bao bọc con cái trên mọi phương diện của các bậc cha mẹ đã làm cho con thiếu kỹ năng sống dẫn đến tình trạng “lớn mà không khôn”. Dạy con kỹ năng sống là trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, theo hoàn cảnh mỗi gia đình. Thực tế cho thấy, những người được cha mẹ uốn nắn, dạy dỗ từ nhỏ, khi trưởng thành lại có thêm kinh nghiệm sống sẽ có khả năng tự giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12383/202103/bao-gio-con-lon-5725927/