Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Đó là chủ đề của tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tọa đàm Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tọa đàm Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tọa đàm nhằm ghi nhận ý kiến về vai trò của ngành bảo hiểm; các bất cập và thách thức trong việc phát triển thị trường bảo hiểm và đề xuất giải pháp để thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và làm tốt nữa vai trò lá chắn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế trước những rủi ro.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, hàng chục nghìn tỷ đồng thiệt hại do bão Yagi, đại dịch Covid-19… nếu doanh nghiệp, người dân không tham gia bảo hiểm, thì chắc chắn sẽ mất trắng. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng trong việc hạn chế tối đa thiệt hại do những rủi ro như cháy nổ, lụt lội, bão hoặc động đất, trộm cắp, tai nạn khi đi du lịch… gây ra.

ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.

ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.

Bảo hiểm như là một tấm khiên bảo vệ người dân, doanh nghiệp trước những rủi ro của cuộc sống, đồng thời bảo hiểm còn là tấm chắn quan trọng với các tổ chức tín dụng, tránh gia tăng nợ xấu cho các tổ chức tín dụng khi khách hàng vay vốn của các tín dụng.

Vai trò của ngành bảo hiểm càng lớn thì trách nhiệm và áp lực của ngành cũng càng cao. Vì thế, việc tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để ngành bảo hiểm phát triển mạnh hơn nữa để củng cố tấm lá chắn trước những rủi ro cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, là vô cùng quan trọng.

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Phó Tổng Giám đốc công ty bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, tổng số tiền mà BIC bồi thường cho khách hàng trong đợt bão lũ số 3 vừa rồi là khoảng 700 tỷ đồng. Thiên tai địch họa xảy ra là điều không mong muốn và ngày càng khó dự báo. Khi tổ chức cá nhân tham gia bảo hiểm, xảy ra rủi ro sẽ được bảo hiểm bồi hoàn đầy đủ và kịp thời, giúp hạn chế tổn thất thấp nhất cho khách hàng.

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) phát biểu tại tọa đàm.

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) phát biểu tại tọa đàm.

“Đơn vị cũng đã tích lập dự phòng rủi ro hàng năm theo đúng quy định nên khoản tiền bồi thường mặc dù lớn nhưng không ảnh hưởng đến an toàn vốn và hoạt động của công ty bảo hiểm” - bà Huyền khẳng định.

Còn theo bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Vietinbank (VBI), số tiền đơn vị dự kiến bồi thường cho khách hàng bị thiệt hại sau bão lũ số 3 vừa qua là gần 1 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung 4 loại hình chính là: tổn thất thiệt hại tài sản, nhà xưởng, hàng hóa, máy móc; tàu hàng; tổn hại về xe cơ giới. “Khi bão xảy ra, công ty huy động toàn bộ nhân viên tư vấn cho khách hàng cùng chung tay giảm thiểu tổn thất”.

Bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Vietinbank (VBI) phát biểu tại tọa đàm.

Bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Vietinbank (VBI) phát biểu tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho biết, riêng đợt bão Yagi và lũ lụt sau bão, Agribank có tổng số trên 28.200 khách hàng vay bị ảnh hưởng, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 40.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên lượng khách hàng tham gia bảo hiểm lại đang ở con số rất khiêm tốn. Nếu tính số tiền đươc bồi thường do có bảo hiểm thì chỉ bảo vệ được 0,65% dư nợ bị thiệt hại của Agribank.

Vai trò của bảo hiểm lớn và đa diện như vậy nhưng thực tế thị trường lại phát triển rất chậm. Ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính phát biểu tại tọa đàm dẫn chứng, trong hơn 80 nghìn tỷ đồng thiệt hại sau bão số 3 vừa qua, chỉ có gần 12 nghìn tỷ đồng được bảo hiểm, tức chiếm chỉ chưa đầy 17%. Trong khi ở Mỹ, số tài sản được bảo hiểm lên tới 71%.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) phát biểu tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) phát biểu tại tọa đàm.

Nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra nhiều, song tựu chung là do nhiều cá nhân và doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm phi nhân thọ. Đặc biệt, khủng hoảng niềm tin liên quan đến việc bán bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng thời gian qua ở một số đơn vị đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm phi nhân thọ.

Với vai trò quan trọng của bảo hiểm trong việc hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro, các đại biểu cho rằng, cần có những giải pháp đột phá nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường niềm tin của khách hàng. Đặc biệt, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, nhằm góp phần phát triển thị trường bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng nhanh hơn và bền vững hơn.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có cơ chế xử lý nghiêm minh và kịp thời những đơn vị, những tư vấn viên kinh doanh bảo hiểm thiếu chuẩn mực, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Công ty bảo hiểm làm ăn đoàng hoàng, đúng pháp luật được bảo vệ, khuyến khích phát triển, công ty làm ăn gian dối, mập mờ, tư vấn viên yếu kém thì cần xử lý thích đáng.

Đồng tình quan điểm này, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng, dưới góc độ của doanh nghiệp bảo hiểm, cần nâng cao chất lượng và sự chuyên nghiệp của tư vấn viên – những người trực tiếp tư vấn cho khách hàng. Về phía xã hội và các cơ quan quản lý có ý thức chính trị để cùng doanh nghiệp thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, thực sự là lá chắn vững chắc cho các tổ chức, cá nhân và rộng ra là nền kinh tế.

Ở góc độ truyền thông, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cũng chỉ rõ, việc phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, trong đó nhận thức của người dân và doanh nghiệp về bảo hiểm còn chưa cao. Nhiều người vẫn coi bảo hiểm là một gánh nặng tài chính, hoặc không thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản và sức khỏe thông qua bảo hiểm.Điều này dẫn đến tình trạng thị trường bảo hiểm chưa thực sự phát triển mạnh mẽ.

Do đó, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và lợi ích của bảo hiểm. Thông qua các chương trình tuyên truyền, các kênh truyền thông, có thể giúp người dân hiểu rõ hơn về bảo hiểm và khuyến khích họ tham gia bảo hiểm để bảo vệ bản thân và gia đình trước các rủi ro. Cải thiện hệ thống pháp lý liên quan đến bảo hiểm, đặc biệt là việc điều chỉnh các quy định pháp luật sao cho linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển và cung cấp những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó, khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tài chính để tạo ra các sản phẩm tài chính tích hợp, giúp tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững. Tăng cường sự quản lý và giám sát của nhà nước đối với các hoạt động bảo hiểm, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bao-hiem-giai-phap-phong-ngua-rui-ro-va-thuc-day-tang-truong-kinh-te/350582.html