Bảo hiểm nông nghiệp phải là 'chỗ dựa' cho nông dân

Năm 2019 được cho là năm Việt Nam không xảy ra thiên tai lớn, công tác phòng, chống thiên tai được triển khai chủ động, bài bản hơn nên thiệt hại về người và tài sản thấp hơn so với mọi năm. Cụ thể, trong năm, cả nước chỉ thiệt hại khoảng 7 ngàn tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với năm 2017 xảy ra nhiều thiên tai với con số thiệt hại là 63 ngàn tỷ đồng.

Ngành nông nghiệp và nông dân vẫn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước đứng đầu về những hậu quả nặng nề trong số 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển chịu ảnh hưởng của nước biển dâng. Dự báo đến năm 2050, tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp và các ngành liên quan về kinh tế có thể làm giảm 0,7-2,4% GDP của Việt Nam. Ngoài ra, chỉ riêng thiệt hại của dịch tả heo châu Phi trong năm 2019 đã làm giảm 1,1% tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp.

Rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rất lớn và thường xuyên nên từ cả chục năm trước, Chính phủ đã triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả vì cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều không mặn mà tham gia. Vì rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn nên chỉ bảo hiểm theo hướng kinh doanh đơn thuần thì không doanh nghiệp bảo hiểm nào muốn tham gia vì nguy cơ thua lỗ cao. Những doanh nghiệp bảo hiểm có gói bảo hiểm nông nghiệp thì cũng chọn đối tượng ít có rủi ro để nhận bảo hiểm hoặc tiến hành một cách cầm chừng.

Về góc độ người mua bảo hiểm, ứng xử với thiên tai, dịch bệnh của Việt Nam bao năm qua là khi bị thiệt hại, người dân mà chủ yếu là nông dân sẽ được nhận hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước; được ngân hàng xóa nợ, khoanh nợ và những khoản chi này đều lấy từ nguồn ngân sách. Do đó, không tạo ra được động lực để các hộ dân chủ động ứng xử và có kế hoạch đối với những rủi ro mà họ có thể gặp phải trong tương lai. Bên cạnh đó, thiên tai hoặc rủi ro lớn về thời tiết thường có chu kỳ vài ba năm mới có một đợt thiên tai lớn nên nông dân càng không quan tâm tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp đều đặn hằng năm.

Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam, những rủi ro từ dịch bệnh, thiên tai gây thua lỗ sản xuất sẽ khiến nông dân không mạo hiểm đầu tư vào những mô hình, công nghệ sản xuất hiện đại cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Do vậy, họ vẫn tìm đến với những cây trồng, vật nuôi truyền thống cho dù có giá trị lợi nhuận thấp. Mặt khác, Việt Nam có rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản lượng như: gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, thủy sản... Các sản phẩm này được bảo hiểm thì mới có lợi thế cạnh tranh khi bước vào sân chơi chung quốc tế.

Chính vì vậy, tham gia bảo hiểm được cho là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững. Để bảo hiểm nông nghiệp được triển khai vào thực tế cần phải xây dựng cơ chế chính sách riêng cho bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: hỗ trợ người dân; hỗ trợ doanh nghiệp; thu hút được sự trợ giúp của các tổ chức tín dụng, xuất khẩu; Nhà nước nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp...

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201912/bao-hiem-nong-nghiep-phai-la-cho-dua-cho-nong-dan-2980537/