Báo Israel hé lộ cách trả đũa kỳ lạ của Iran khi bị tấn công - Khôn ngoan hay làm màu?
Khi ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng liên quan tới vụ nổ đã tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạt nhân ở Natanz hôm 2/7, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng Iran sẽ đáp trả như thế nào?
Iran có 2 lựa chọn trả đũa
Theo tờ Jpost của Israel, chính phủ Iran đang ở trong tình thế khó, bởi họ trước đó đã tuyên bố vụ nổ là một tai nạn. Giờ đây, Tehran phải đối mặt với một loạt các báo cáo của truyền thông nước ngoài đang tìm cách đi đến kết luận rằng vụ nổ trên thực chất do một thế lực nhà nước hoặc một tổ chức phi chính phủ gây ra.
Từ các tờ báo lớn như New York Times, Washington Post cho tới các tờ báo địa phương như Al-Jarida của Kuwait đều tìm kiếm mọi chi tiết có thể để khẳng định rằng Israel có liên quan tới vụ nổ bí ẩn tại một nhà kho ở cơ sở làm giàu hạt nhân Natanz.
Tờ Times and Post dẫn lời một quan chức an ninh Trung Đông cho biết, vụ nổ được thực hiện nhằm "gửi tín hiệu" tới Tehran.
Các báo cáo cũng tuyên bố mục tiêu tấn công dường như là các máy ly tâm quan trọng hoặc có thể là hệ thống bơm nén khí tiên tiến nối với máy ly tâm IR-6. Những thiệt hại mà vụ nổ gây ra có thể khiến chương trình của Iran phải lùi tiến độ hàng tháng hoặc hàng năm trời.
“Nếu xác minh được đây là vụ tấn công, chúng tôi sẽ đáp trả” - Giám đốc Cơ quan phòng thủ dân sự Iran - Gholamreza Jalali cho hay.
Vậy thì Iran có thể đáp trả như thế nào nếu họ cuối cùng cũng đi đến kết luận đó là một vụ tấn công?
Theo JPost, chính quyền Iran được cho là sẽ có 2 dạng phản ứng. Đầu tiên sẽ là phản ứng "ăn miếng trả miếng", tương tư như việc nước này tiến hành vụ tấn công tên lửa đáp trả sau khi tướng Qasem Soleimani – chỉ huy lực lượng Quds – bị Mỹ sát hại hồi tháng 1 năm nay.
Một lựa chọn khác sẽ là các cuộc tấn công phi đối xứng, chẳng hạn như nhằm vào các tàu khai thác mỏ ở vịnh Oman để khuấy động cuộc khủng hoảng như hồi tháng 5 và tháng 6/2019, hoặc vụ tấn công tháng 9/2019 nhằm vào các cơ sở dầu mỏ Saudi ở Abqaiq.
Iran cũng từng tiến hành các cuộc tấn công từ Syria nhằm vào Israel.
Tháng 5/2018, trong bối cảnh căng thẳng dâng cao sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và do cuộc tấn công của chính quyền Damascus vào nam Syria, một loạt rocket đã được bắn về phía cao nguyên Golan.
Trước đó, tháng 2/2018, một máy bay không người lái đã được triển khai từ căn cứ T-4 ở Syria và bay vào không phận của Israel trước khi nó bị bắn hạ.
Iran đã trả đũa theo các cách thức khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Khi IS bị cáo buộc đã tấn công vào cuộc diễu hành ở Ahvaz tháng 9/2018, Iran đã đáp trả bằng cách bắn tên lửa đạn đạo nhằm vào tổ chức này ở Syria ngày 1/10/2018.
Trước đó gần 1 tháng, vào ngày 8/9, Iran đã bắn tên lửa đạn đạo vào những phần tử chống đối người Kurd gần Koya nhằm trả đũa hoạt động gia tăng của phiến quân người Kurd ở Iran.
Nói một đằng, làm một nẻo?
Tuy nhiên, theo Jpost, phương thức trả đũa thông thường nhất của Iran sẽ là thề đáp trả, nhưng sau đó không làm đúng như tuyên bố. Tehran từng thề thốt "sẽ đòi nợ máu" sau cái chết của tướng Soleimani nhưng rồi không có lính Mỹ nào thiệt mạng trong cuộc tấn công tên lửa của họ cả.
Lực lượng Mỹ tại Iraq đã cảnh báo trước về cuộc tấn công tên lửa để binh lính Mỹ kịp ẩn náu. Đây là một canh bạc đối với Iran. Nếu họ sát hại bất người người Mỹ nào thì Washington sẽ trả đũa. Thay vào đó, Iran đã "vô tình" bắn hạ một máy bay dân sự của Ukraine trong cuộc tấn công tên lửa này.
Iran từng thề sẽ trả đũa ác liệt khi Israel tiến hành hơn 1.000 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Iran tại Syria. Tuy nhiên, bằng chứng tới nay cho thấy chỉ có một số ít rocket bắn từ Syria nhằm vào Israel.
Tất cả những điều trên đều cho thấy Iran tuyên bố rất nhiều về việc trả đũa nhưng hiếm khi họ thực hiện đúng như vậy. Song, JPost cho rằng điều đó không phải vì họ thiếu tiềm lực hay công nghệ mà là do chính quyền Iran có những tính toán thận trọng, họ thừa hiểu rằng họ có thể phải hứng chịu nhiều thất bại.
Với những đối thủ mạnh hơn, cách thức trả đũa của Iran không phải là "ăn miếng trả miếng", mà là sử dụng các lực lượng ủy nhiệm để chống phá.
Iran chỉ có tới 800 nhân lực thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) ở Syria, nhưng lực lượng trả đũa thực sự của họ đang cắm rễ gần Golan và chiêu mộ những người địa phương.
Đây là một kế hoạch kéo dài nhiều thập kỷ. Iran lựa chọn các cuộc tấn công thực một cách thận trọng, nhưng cũng không kém phần táo bạo, như cuộc tấn công nhằm vào nhà máy lọc dầu Abqaiq ở Saudi Arabia hồi tháng 9 năm ngoái.
Iran tính toán chính xác rằng Riyadh sẽ không ném bom trả đũa. Các máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Iran đã gây thiệt hại cho cơ sở vật chất của Abqaiq nhưng không gây thương vong về người.
Tờ Jpost cho rằng, đây chính là cách Iran cân nhắc các cuộc tấn công trả đũa hiện nay. Khi Tehran quyết định rằng họ phải trả đũa, dù là ngấm ngầm hay sau khi thu thập đủ bằng chứng và công khai chúng, thì họ cũng sẽ lựa chọn các phương thức một cách thận trọng – từ mìn, tên lửa cho tới máy bay không người lái – để tấn công các đối thủ của Tehran trên khắp khu vực.